Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt là lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, công nghiệp Quảng Ngãi trở thành điểm sáng trong khu vực, là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của Việt Nam.
Từ năm 2018 đến 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đạt 8,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP cũng có sự gia tăng, từ 37,5% năm 2018 lên 42,3% năm 2023. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thể hiện vai trò chủ lực khi chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 40,2% trong GRDP vào năm 2023.
Bên cạnh đó, lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cũng tăng đáng kể, từ 50,9% năm 2018 lên 67% năm 2023, minh chứng cho sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực và giảm sự phụ thuộc vào nông nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vị thế khi chiếm đến 98% trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh.
Các cơ sở công nghiệp hiện đại như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina… đang đóng vai trò then chốt trong sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Không chỉ phát triển mạnh mẽ về công nghiệp nặng, Quảng Ngãi cũng chú trọng vào công nghiệp nhẹ và chế biến thực phẩm với những sản phẩm như đường, thủy sản chế biến… Những mặt hàng này không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Khai thác lợi thế hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất, cũng như vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vừa có đồng bằng, miền núi, vừa có biển, hải đảo, những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, đưa ngành này trở thành ngành chủ lực, là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Sự thành công trong việc xây dựng và phát triển khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp như Quảng Phú, Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi đã chứng minh chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện của tỉnh.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy đầu tư và phát triển. Những bước phát triển này không chỉ thúc đẩy sự hội nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp Quảng Ngãi vào chuỗi giá trị toàn cầu mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện Quảng Ngãi đã quy hoạch 6 khu công nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất và 2 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế Dung Quất, với tổng diện tích hơn 2.000ha, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 490 dự án công nghiệp, với tổng vốn đầu tư 393 nghìn tỷ đồng, trong đó có 65 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD).
Nhiều dự án lớn được triển khai, góp phần lan tỏa sự phát triển như: Khu công nghiệp Đô thị – Dịch vụ VSIP I, II Quảng Ngãi; NMLD Dung Quất; Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất; 2 dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, III; dự án Bến cảng tổng hợp – Container Hòa Phát Dung Quất.
Tháng 10 vừa qua, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ; trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp ổn định, sản lượng thủy sản tăng; giá cả nhìn chung tương đối bình ổn, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tỉnh tổ chức thành công Hội nghị “Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh (13/10); Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2024.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 6/11/2024 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 7,25 – 8,25%/năm, trong đó tăng trưởng công nghiệp đạt 8,25 – 9,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 7.700 – 7.900USD. Cơ cấu công nghiệp – xây dựng chiếm 36,5 – 37,5% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 – 2030 là 6,5 – 7,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 75%. Tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.
Diệu Bình