Mục tiêu trên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức Bettina Stark-Watzinger công bố hôm 23/8. Dù nguồn tài trợ này dự kiến tăng gần gấp đôi, nhưng nó vẫn rất khiêm tốn so với mức 3,3 tỷ USD mà chính phủ Mỹ đã chi cho nghiên cứu AI vào năm 2022, theo báo cáo của Đại học Stanford.
Sự thúc đẩy AI diễn ra khi Đức cố gắng vực dậy nền kinh tế của mình khỏi suy thoái trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô và hóa chất quan trọng của đất nước phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện mới nổi.
Đức dự kiến thành lập 150 phòng thí nghiệm đại học mới để nghiên cứu AI, mở rộng trung tâm dữ liệu và tạo khả năng tiếp cận các loại bộ dữ liệu công cộng phức tạp. Theo bà Stark-Watzinger, khuôn khổ pháp lý mới nổi của Châu Âu, vốn đặt trọng tâm vào quyền riêng tư và an toàn cá nhân nhiều hơn so với các khu vực khác, có thể thu hút đầu tư vào Đức cũng như Liên minh Châu Âu.
“Chúng tôi có hệ thống AI rõ ràng, đáng tin cậy và minh bạch. Đây là một lợi thế cạnh tranh”, bà Stark-Watzinger bình luận. Ngoài ra, bà nói thêm rằng các quy định đơn giản hơn sẽ thúc đẩy chi tiêu nghiên cứu tư nhân.
Bà Stark-Watzinger thừa nhận, mặc dù Đức không có đối thủ nào sánh ngang với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, nhưng số lượng công ty khởi nghiệp AI của nước này đã tăng gấp đôi vào năm 2023, đưa Đức lên vị trí thứ chín trên toàn cầu.