Tại Tọa đàm trực tuyến: Đảm bảo an ninh, anh toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số do Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ tổ chức, các chuyên gia đã đánh giá, nhận đinh thuận lợi, khó khăn của quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam.
Nhờ Chuyển đổi số, Ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân
Trong khuôn khổ Toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ngành Ngân hàng là một trong những ngành tiên phong, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Theo ông Hùng, nhờ đó mà ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, trải qua năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19, giao tiếp xã hội bị hạn chế nhưng mọi hoạt động giao dịch thanh toán đều diễn ra một cách an toàn.
“Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định.
Đây được coi là thời điểm “vàng” của chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2025.
Số liệu cho thấy, nếu như trước năm 2016, khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%.
Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, chuyển đổi số là hết sức quan trọng và thiết thực để hạn chế sử dụng tiền mặt, thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và nếu không có CĐS thì sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.
Có thể nói, để đạt được những kết quả tích cực như vậy, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong công cuộc CĐS. NHNN đã xây dựng chiến lược 2021- 2025 nhằm triển khai kế hoạch Chính phủ số và ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu với sự tham gia đầu tư của các NHTM với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc CĐS.
“Tôi cho rằng, đây là kết quả mà người dân lẫn ngân hàng đều được hưởng lợi, đồng thời thúc đẩy quá trình CĐS và thực hiện Chương trình tài chính toàn diện quốc gia”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Làm sao để chuyển đổi số Ngân hàng gắn với an toàn, an ninh và bảo mật thông tin của người dân?
Hiện nay, vấn đề an toàn, bảo mật thông tin được người dân quan tâm hàng đầu bởi thực tế tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra phức tạp khi CĐS diễn ra sâu rộng ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đối với ngân hàng, việc quan tâm đến an toàn, an ninh, bảo mật càng phải chú trọng hơn khi chuyển đổi số.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, quan điểm của NHNN là CĐS thì phải đi đôi với an toàn, an ninh và bảo mật thông tin của người dân. Điều này giúp phát triển bền vững công tác CĐS, tạo niềm tin của người dân vào các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng số do ngân hàng cung cấp.
Để hiện thực hoá điều đó, NHNN cũng đã có những chỉ đạo cụ thể thông qua một loạt nội dung, như sau:
Thứ nhất, Kế hoạch 810 của NHNN ban hành Kế hoạch CĐS của toàn ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật được hết sức chú trọng. Không chỉ yêu cầu NHNN mà cả các TCTD phải hết sức quan tâm về đầu tư và có con số định lượng, quy định cụ thể cho tăng cường công tác an ninh, an toàn và bảo mật.
Theo ông Tuấn, những yếu tố NHNN hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua gồm:
– NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ban hành các văn bản liên quan đến tăng cường công tác bảo mật, đặc biệt là bảo vệ thông tin khách hàng.
– Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, NHNN thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (bao gồm TCTD, tổ chức trung gian thanh toán) phải tăng cường công tác bảo mật, liên tục chấn chỉnh các hiện tượng lừa đảo, gian lận thông qua sử dụng các dịch vụ thanh toán.
– Trong suốt thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời rà soát, phát hiện nắm bắt các hình thức lừa đảo, gian lận trong thanh toán, trao đổi với A05 để nắm bắt danh sách khách hàng, tài khoản liên quan đến hành vi gian lận, lừa đảo để kịp thời cung cấp cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Thứ hai, ngày 24/4/2023, NHNN đã ký kết với Bộ Công an để phối hợp triển khai Đề án 06 về khai thác ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó làm sạch dữ liệu, khai thác cơ sở dữ liệu trong căn cước công dân gắn chip để có thể góp phần định danh chính chủ, mở và sử dụng tài khoản, góp phần làm sạch toàn bộ dữ liệu cho các TCTD.
Thứ ba, NHNN thường xuyên thực hiện các công tác kiểm tra liên quan đến mở và sử dụng tài khoản, sử dụng thẻ, sử dụng ví điện tử ở các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để kịp thời chấn chỉnh cũng như đôn đốc, nhắc nhở để tăng cường an ninh, an toàn và bảo mật thông tin.
Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông là không thể thiếu. Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với nhiều cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng để có thể triển khai quảng bá, giới thiệu các kỹ năng sử dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ số của các TCTD, ví dụ như thông qua các chương trình “tiền khéo – tiền khôn”.
Nhờ đó, các sản phẩm, dịch vụ số đã được truyền thông rộng rãi, nâng cao các kỹ năng sử dụng ứng dụng kỹ thuật số mà các TCTD cung cấp cho khách hàng. Qua đó giúp phần nào hạn chế các gian lận, lừa đảo hiện nay đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Vì sao CĐS ngân hàng phát triển nhanh trong thời gian vừa qua tại Việt Nam?
Kể từ khi diễn ra đại dich COVID-19, người dân đã dần chuyển đổi hình thức thanh toán tiền mặt sang chuyển khoản, quét QR. Hiện nay, ngay cả khi đi chờ mua “mớ rau, con cá”, người dân cũng đều chuyển khoản, điều đó cho phát sự phát triển như “vũ bão” của CĐS trong ngành Ngân hàng.
Nói về lý do giúp CĐS phát triển nhanh với các tiện ích mà ngân hàng mang lại, ông Văn Anh Tuấn cho rằng, tính cạnh tranh cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy CĐS, cửa hàng này có mã QR, cửa hàng kia không có cũng khiến người dân suy nghĩ chọn lựa và chính những điều này giúp người dân tích cực đổi mới và cập nhật các ứng dụng công nghệ số.
“Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng Internet của Việt Nam rất cao, người dân Việt Nam yêu thích công nghệ, có nền tảng Internet tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho tốc độ tăng trưởng nhanh”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, CĐS là xu thế tất yếu. Rất nhiều TCTD đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Điều đó giúp các TCTD giảm thiểu nhiều chi phí so với thực hiện các giao dịch truyền thống trước đây.
CĐS góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức thanh toán số đều hướng tới mục tiêu Quyết định 1813 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025). Trong đó, làm sao để đến năm 2025, Việt Nam đạt khoảng 80% người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản ngân hàng. Đây là một trong những mục tiêu NHNN đang tích cực hướng tới.
Đồng thời, việc thúc đẩy sử dụng dịch vụ số giúp người dân tránh được các dịch vụ chuyển tiền bất hợp pháp, cho vay nặng lãi… Trong đó, hình thức cho vay bằng phương thức điện tử giúp cho việc phổ cập tài chính đến người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo… Chính phủ cũng thông qua 1 loạt các biện pháp như Mobile Money để góp phần thúc đẩy TTKDTM không chỉ ở thành thị mà còn phổ cập đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Sau 1 năm triển khai, Mobile Money đã có khoảng trên 4 triệu người dùng và con số này đang có chiều hướng tăng dần, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi các TCTD, các trung gian thanh toán cũng chưa đặt chân đến nhiều mà chủ yếu phát triển thông qua các mô hình đại lý hoặc điểm kinh doanh do các nhà mạng viễn thông triển khai. Việc này cũng góp phần thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam trong thời gian qua.