VNHNNgày 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP. Hà Nội tổ chức tọa đàm: “Chuyển đổi số – Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương” nhằm thảo luận sâu về kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới.
Tọa đàm có sự tham dự của các khách mời: Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam; bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP. Hà Nội.

Các khách mời tham dự Tọa đàm (từ trái sang): Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP. Hà Nội; ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả
Tại Tọa đàm, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ cho biết, kể từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 23 tỉnh, thành phố sắp xếp lại, cùng với 3.321 đơn vị hành chính cấp xã đã chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Qua nắm bắt tình hình, Bộ Nội vụ (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ) ghi nhận, mặc dù thời gian đi vào vận hành mới hơn 3 tuần nhưng bước đầu đã có những kết quả rất tích cực. Điều này cho thấy chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ máy vận hành ở các địa phương tương đối trơn tru, liên thông, hiệu quả, không làm gián đoạn quá trình chuyển đổi từ chính quyền 3 cấp sang hai cấp. UBND các xã đã thành lập đầy đủ tổ chức bộ máy, các cơ quan chuyên môn. Công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp ở địa bàn cơ sở trên cả nước tương đối đồng bộ, có hiệu quả, không gián đoạn công việc.
Điểm rất đáng lưu ý là hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt ở cấp xã, đã đưa vào vận hành hệ thống giải quyết dịch vụ công có kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo thuận lợi cho việc kết nối, giải quyết các thủ tục hành chính, các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
“Đồng bộ – Dữ liệu – Chủ động”: Bí quyết để Hà Nội vận hành thông suốt
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội trong 3 từ khóa cốt lõi khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp, đó là: “Đồng bộ – Dữ liệu – Chủ động”.
Thứ nhất là đồng bộ trong tổ chức thực hiện, từ nhận thức của cấp ủy đến hành động của chính quyền cũng như đến từng cán bộ cơ sở. Thứ hai, dữ liệu là nền tảng, theo thời gian thực nhất. Thứ ba, Hà Nội chủ động vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện các quy trình, nội dung. Đến thời điểm này, cơ bản bộ máy chính quyền địa phương hai cấp của Hà Nội vận hành thông suốt và đồng bộ.
Ở cấp cơ sở, bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (TP. Hà Nội) chia sẻ, xác định là chính quyền gần dân, sát dân nhất, phường Cửa Nam đặt mục tiêu phục vụ với chất lượng cao, làm hài lòng người dân. Phường đã mạnh dạn đưa robot AI phục vụ hành chính công, tạo môi trường gần gũi, thân thiện và văn minh.
Thuận lợi lớn nhất ở phường Cửa Nam là sự đồng thuận và kỳ vọng của người dân; sự phát triển của hệ thống dữ liệu quốc gia đã tạo nền tảng kết nối; khả năng tiếp cận công nghệ của người dân, kể cả người lớn tuổi.
Khó khăn lớn nhất là áp lực công việc lớn do sáp nhập, nhưng với sự đồng hành của cấp trên, sự quyết tâm của cán bộ và niềm tin của nhân dân, chính quyền phường tin tưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nền tảng số: Yếu tố vững chắc vận hành chính quyền hai cấp
Để hỗ trợ địa phương ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, ngay từ tháng 4/2025, Bộ KH&CN đã hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố nâng cấp hệ thống thông tin và quy trình thủ tục, đảm bảo giải quyết hành chính và điều hành chính quyền sau khi tổ chức lại bộ máy.
Ngoài triển khai công khai thủ tục hành chính theo 28 nghị định phân cấp, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ bố trí nhân sự hỗ trợ cấp xã, đồng hành triển khai hệ thống điều hành chính quyền các cấp. Hai doanh nghiệp bưu chính lớn là VNPost và Viettel Post cử cán bộ túc trực tại các xã hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ điện tử.
Tính đến ngày 1/7/2025, toàn bộ hơn 3.200 xã mới đã vận hành ổn định các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền hai cấp, bảo đảm không gián đoạn dịch vụ hành chính và điều hành.
Đối với nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi số giai đoạn đầu vận hành mô hình tổ chức chính quyền hai cấp, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, sau 3 tuần, các địa phương đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện. Tổ liên ngành đã đến 4 địa phương, khảo sát hơn 11 xã, phường và chỉ ra 25 nhóm vấn đề tồn tại. Trong đó, có thể kể đến: Các thủ tục hành chính chưa được cấu hình chính xác, biểu mẫu điện tử chưa đầy đủ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng khi nhập nhiều xã vào một đơn vị mới, kỹ năng cán bộ còn hạn chế, dữ liệu các địa phương chưa đồng bộ, liên thông. Đáng chú ý, ở các bộ, ngành đang tồn tại vấn đề như chữ ký số chưa cung cấp đầy đủ, vì vậy cán bộ công chức không thể thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số.
Bộ KH&CN sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ họp, đánh giá lại 25 nhóm tồn tại đã nêu ra. Khi giải quyết 25 nhóm vấn đề này thì cơ bản sẽ giải quyết được việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trong giai đoạn trước mắt.
Vai trò “nhạc trưởng” của Sở KH&CN địa phương
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, năm nay và năm 2026, Bộ KH&CN sẽ tập trung ban hành các hệ thống tiêu chuẩn về chuyển đổi số. Khi đã ban hành tiêu chuẩn thì vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương không phải chỉ là người triển khai mà là người điều phối, để bảo đảm tất cả các ngành cùng theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn về chuyển đổi số, đảm bảo được sự kết nối, sự liên thông đồng bộ, bảo đảm được các doanh nghiệp xây dựng được nền tảng số đáp ứng tiêu chuẩn và liên thông được.
Các Sở phải xây dựng, ban hành được khung kỹ thuật số dùng chung, cũng là yêu cầu bắt buộc khi tham gia đầu tư xây dựng hoặc thuê các dự án công nghệ thông tin phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các Sở cũng thực hiện việc kiểm tra, giám sát bởi hiện nay chúng ta chưa có quy chuẩn nên có tình trạng “trăm hoa đua nở”, đến khi kết nối, đầu tư lãng phí và không kết nối được. Đây chính là vai trò “nhạc trưởng” của các đồng chí lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các dữ liệu hành chính. Dữ liệu hoàn toàn có thể giúp giải quyết bài toán cung cấp thủ tục hành chính tiện lợi cho người dân, đặc biệt là khi hướng tới cung cấp thủ tục hành chính phi địa giới. Để có hệ thống dữ liệu phục vụ cho giao dịch hành chính, ngoài yếu tố đầu tiên là chất lượng dữ liệu theo phương châm “đúng, đủ, sạch, sống và kết nối được” thì yếu tố thứ hai cần phải quan tâm nhiều hơn là tính toàn diện của hệ thống dữ liệu. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh về các giải pháp kỹ thuật giúp đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu khi triển khai liên thông dữ liệu đến cấp, xã phường.
Giải pháp nâng cao năng lực cán bộ cấp xã
Chia sẻ về khối lượng công việc của cấp xã, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn cho biết, chính quyền địa phương cấp xã hiện nay không chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã trước đây mà còn thực hiện hầu hết các nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về khi kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện. Thống kê có nhiều nhiệm vụ phân cấp, phân quyền từ Trung ương cũng được chuyển xuống cấp xã, lên đến 1.065 nhiệm vụ, khiến áp lực công việc lớn.
Thách thức tiếp theo là yêu cầu ngày càng cao về chất lượng phục vụ người dân, trong bối cảnh chính quyền chuyển từ mô hình hành chính quản trị truyền thống sang hành chính phục vụ. Tuy nhiên, trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay chưa đồng đều. Điều này dẫn tới khoảng trống, không đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Giải pháp căn cốt là phát triển nguồn nhân lực – đặt con người làm trung tâm. Đội ngũ cán bộ cấp xã phải vừa có chuyên môn, nghiệp vụ, vừa thành thạo kỹ năng phục vụ, hiểu luật, hiểu công nghệ và chủ động học tập. Đồng thời, các cấp chính quyền, đặc biệt là Bộ Nội vụ và địa phương, phải tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bài bản.
Bộ Nội vụ đang tổ chức các đợt đào tạo tại các tỉnh như Điện Biên, TPHCM, bám sát các lĩnh vực thuộc thẩm quyền như tổ chức bộ máy, công chức, xử lý vướng mắc. Ngoài ra, nhiều địa phương đã có cách làm đổi mới như Hà Nội sử dụng robot, AI hỗ trợ vận hành tại phường Cửa Nam. Đà Nẵng hợp tác với các đại học công nghệ để đưa sinh viên năm cuối hỗ trợ xã, phường. Thái Nguyên, Ninh Bình cũng có mô hình tương tự.
Về thể chế, Bộ Nội vụ thường xuyên tổng hợp phản ánh, báo cáo Thủ tướng và phối hợp các bộ ngành để xử lý theo thẩm quyền. Bộ cũng khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và Luật Cán bộ công chức sửa đổi.
Chia sẻ thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, trước bài toán thiếu nhân lực, Hà Nội đã chủ động đưa cán bộ từ cấp Thành phố xuống cấp xã; Trung tâm Phục vụ hành chính công cũng đã mời các luật sự đến 126 điểm, mỗi điểm 2 luật sư, làm việc hằng ngày để tư vấn pháp lý và hỗ trợ người dân cũng như hệ thống. Hà Nội cũng sẽ ban hành một chỉ thị 45 ngày đêm ra quân hỗ trợ cho chính quyền địa phương trong chuyển đổi số.
Trao đổi về những điều kiện then chốt cần được ưu tiên trong thời gian tới để chuyển đổi số thực sự trở thành nền tảng phát triển chính quyền hiện đại, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long chi sẻ 3 kinh nghiệm:
Thứ nhất, vai trò của người đứng đầu. “Chuyển đổi số phải bắt nguồn từ người đứng đầu. Người đứng đầu không muốn chuyển đổi, không trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi, và người đứng đầu không sử dụng kết quả chuyển đổi thì chuyển đổi số chỉ nằm ở khẩu hiệu chứ không đi vào thực tế”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói, nhấn mạnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rất rõ: Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo chuyển đổi số và kết quả chuyển số đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Thứ hai, dữ liệu là nền tảng. Các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, và đặc biệt là “có thể chia sẻ được”. Đủ ở đây là 100%, sạch là không sai sót, sống là luôn cập nhật và hữu ích, và đặc biệt là phải chia sẻ được giữa các hệ thống, các đơn vị.
Thứ ba, chuyển đổi số không phải là một dự án có điểm bắt đầu và kết thúc, mà là một quá trình liên tục. Nếu chúng ta coi đó là một dự án đầu tư, làm xong rồi để đó, thì 5 năm hay 10 năm sau chúng ta vẫn đứng yên. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi liên tục, liên tục cập nhật và phát triển.
“Chỉ khi chúng ta nhận thức đúng như vậy thì chuyển đổi số mới thực sự đi vào thực tiễn, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả”, Thứ trưởng Phạm Đức Long kết luận./.