VNHNNông sản OCOP Tây Ninh đã trở thành điểm sáng trong chương trình phát triển NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, giữ gìn bản sắc và nâng cao đời sống người dân.

Một sản phẩm tại tỉnh Tây Ninh vừa được đánh giá, phân hạng đầu năm 2025 – Ảnh: TL
Sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh mới có thêm lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm đa dạng, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Đi liền với đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu OCOP gắn với văn hóa, lịch sử để thu hút du lịch và nâng cao thu nhập người dân.
Đặc biệt là từng bước đa dạng sản phẩm OCOP đặc trưng tại các địa phương; khi Long An (cũ) có truyền thống sản xuất nông nghiệp với nhiều đặc sản như thanh long, khoai mỡ, khóm, chanh, rau sạch, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, nếp… Tính đến 7/2025, địa phương có 262 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (51 sản phẩm 4 sao, 211 sản phẩm 3 sao). Cơ sở Ngọc Lan (Vĩnh Hưng) chế biến 9 sản phẩm từ cà na, đạt chuẩn OCOP 3 sao và được khách trong, ngoài nước ưa chuộng.
Tây Ninh (cũ) có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó nổi bật như: mãng cầu Bà Đen, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối tôm, và bánh tráng siêu mỏng Tân Nhiên – sản phẩm đạt chuẩn 5 sao quốc gia, được sản xuất theo quy trình hiện đại, an toàn, xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Tây Ninh xác định OCOP là động lực trong xây dựng NTM, ưu tiên phát triển sản phẩm đạt 4–5 sao, gắn với phát triển du lịch. Tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản phẩm OCOP, bố trí điểm bán tại các địa điểm đông khách như núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài, chùa Gò Kén… Đồng thời, hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng điểm bán hàng tại khu du lịch, chợ, nơi công cộng.
Theo Sở NN-MT tỉnh Tây Ninh mới, sản phẩm OCOP đang được chuẩn hóa theo chuỗi giá trị, phù hợp với điều kiện sản xuất, yếu tố văn hóa và thị trường. Qua đó, khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, phát huy sáng tạo nông dân, hướng tới mục tiêu phát triển OCOP bền vững. Bên cạnh đó tỉnh cũng đề ra các chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực; chú trọng huy động vốn đa kênh, khai thác nguồn lực công tư và xã hội hóa để đầu tư xây dựng giao thông, xử lý môi trường, cung cấp dịch vụ y tế, văn hoá, thể thao… đồng thời ngăn ngừa nợ đọng xây dựng cơ bản.

Để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào thực chất, sản phẩm có thương hiệu, chỗ đứng vững trên thị trường, những năm qua, tỉnh Tây Ninh chủ trương không chạy theo số lượng, mà tập trung chọn sản phẩm nổi bật, đặc thù – Ảnh: TL
Tỉnh Tây Ninh hiện đang chú trọng xây dựng NTM theo hướng hiện đại và số hóa, không chỉ hoàn thiện tiêu chí kỹ thuật mà còn cải thiện đời sống người dân, phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường du lịch trải nghiệm địa phương và nâng cao năng lực số hóa chính quyền – kinh tế – xã hội. Việc xây dựng NTM sẽ góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập địa phương khi kết nối nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại. Đặc biệt là từng bước phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP: các làng nghề như làm bánh tráng, chế biến muối tôm, hái mãng cầu, trải nghiệm se nhang… thu hút khách du lịch kết hợp tham quan điểm đến văn hoá như núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài, tạo thêm thu nhập cộng đồng.
Theo đó, tỉnh cũng đề ra chiến lược phát triển dài hạn là tập trung vào chất lượng – thương hiệu, nghĩa là không chạy theo số lượng mà chọn các sản phẩm đặc thù, nâng cấp theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hài hòa văn hóa bản địa. Từng bước đầu chinh phục các thị trường nước ngoài, thông qua tiêu chuẩn an toàn và cải tiến bao bì theo tiêu chí quốc tế./.