Windsurf, thành lập năm 2021, nổi lên như một trong những startup AI hỗ trợ lập trình với dòng sản phẩm “Cascade” giúp tự động viết, chỉnh sửa và chạy mã code cho lập trình viên. Công ty khởi nghiệp này vào năm 2025 đã trở thành mục tiêu tiếp theo của OpenAI trong một cuộc đàm phán sáp nhập trị giá khoảng 3 tỷ USD, với các thỏa thuận đầu tư nội bộ sẵn sàng công bố vào đầu tháng 5.
Tuy nhiên, tất cả đổ bể, và nguyên nhân chính nằm ở mâu thuẫn nội bộ giữa OpenAI và Microsoft, vốn là đối tác lớn và nhà đầu tư chiến lược. Vụ việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý giới báo chí, khi nhà quan sát cho rằng sức ảnh hưởng của Microsoft đủ lớn để ngăn chặn thỏa thuận.
Ngay lập tức, Google nhập cuộc, nhưng thay vì mua lại toàn bộ Windsurf, tập đoàn công nghệ này chỉ trả 2,4 tỷ USD để thuê CEO Varun Mohan và các nhân sự chủ chốt, đồng thời mua quyền sử dụng tài sản trí tuệ của startup. Hàng trăm nhân viên khác bị bỏ rơi.
“Nhiệm vụ của tôi là giải thích cho công ty về con đường phía trước. Tâm trạng mọi người rất ảm đạm. Một số buồn phiền về kết quả tài chính và đồng nghiệp rời đi, số khác lo lắng về tương lai. Vài người đã rơi nước mắt”, Jeff Wang, CEO mới của Windsurf, nói.
Khác với việc mua lại hoàn toàn, động thái cấp phép công nghệ không đồng nghĩa với việc thâu tóm startup, vậy nên không vướng phải các thủ tục hay điều tra chống độc quyền. Google chỉ thanh toán một lần 2,4 tỷ USD để được khai thác công nghệ AI lập trình của Windsurf — một động thái tương tự xu hướng của Microsoft (khi mua lại Inflection AI, Adept…) hoặc Amazon, Meta.

Theo Reuters, các nhà sáng lập còn lại, như Jeff Wang và Graham Moreno, vẫn giữ chức vụ lãnh đạo tại Windsurf – chứng tỏ startup vẫn vận hành độc lập sau khi Google “thuê” phần lớn tinh hoa. Lúc này, chỉ còn khoảng 250 nhân viên ở lại trong tình trạng hoang mang nghiêm trọng vì không rõ số phận Windsurf sẽ đi về đâu sau khi CEO Varun Mohan rời đi.
Chính trong khoảnh khắc hỗn loạn ấy, Windsurf đã nhận được “phao cứu sinh” từ công ty AI Cognition. Cognition đã tiếp cận, thương thảo và ký thỏa thuận mua lại phần còn lại của Windsurf – bao gồm IP, sản phẩm, thương hiệu, cùng lượng khách hàng và đội ngũ nhân sự hiện tại.
“Tôi vô cùng phấn khích và lạc quan, nhưng trên hết là biết ơn. Thời khắc khó khăn giúp bộc lộ con người thật. Tôi không thể tự hào hơn về cách từng người tại Windsurf đã cùng nhau vượt qua ba ngày đó vì nhau và vì người dùng”, Wang viết trên X, mô tả thứ Sáu (11/7) “là ngày tệ nhất đời với 250 người”, nhưng tiếp sau đó, thứ Hai (14/7) “có lẽ là ngày tuyệt nhất”.
“72 giờ điên rồ bậc nhất tôi từng thấy trong giới startup”, Maor Fridman, quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm F2, nhận xét.
Theo Business Insider, có ba nguồn tin cho rằng Cognition, được định giá 4 tỷ USD, đã chi khoảng 300 triệu USD cổ phiếu để mua lại Windsurf.

Có thể thấy, Google đã thành công chiêu mộ được “tinh anh” từ Windsurf, song câu chuyện này để lại hậu quả đáng kể cho thế lực môi trường startup: hàng trăm nhân viên còn lại không nhận được phần lớn giá trị từ thương vụ gốc. Amjad Masad – CEO Replit – cảnh báo đây là đòn giáng vào niềm tin của các nhân sự startup: “Điều này có thể khiến ai cũng ngần ngại khi tham gia startup”.
“Windsurf và một số công ty khác thực sự là ví dụ tồi tệ về việc nhà sáng lập bỏ lại đội ngũ, thậm chí không chia sẻ số tiền kiếm được. Tôi chắc chắn không làm việc với những nhà sáng lập như vậy nữa”, nhà đầu tư Vinod Khosla viết trên X.
Trước Windsurf, những thương vụ khác tương tự cũng diễn ra với Character AI, Scale AI.., khi các công ty công nghệ lớn không mua lại hoàn toàn startup mà chỉ muốn tiếp cận đội ngũ nhân tài và tài sản trí tuệ. Trong trường hợp Scale AI, Meta trả 14 tỷ USD cho 49% cổ phần của công ty dán nhãn dữ liệu, đồng thời tuyển nhà sáng lập Alexandr Wang về điều hành nhóm phát triển siêu trí tuệ.
Một điều rõ ràng: cuộc chơi AI giờ đây không chỉ là tạo ra công nghệ vượt trội – mà còn là nghệ thuật giao dịch giữa các tập đoàn và startup. Mô thức mới – thuê đội ngũ và cấp phép công nghệ – đang nở rộ, giúp các công ty như Google hay Meta dễ dàng tăng tốc mà không chịu áp lực quản trị hay rủi ro thâu tóm. Tuy nhiên, hệ quả đối với hệ sinh thái nhân viên và startup nhỏ lại là những tổn thương lâu dài.
Về phía OpenAI, ngoài mất Windsurf, họ đang đối mặt áp lực lớn từ đối thủ cạnh tranh khi Microsoft, Google, Meta, Amazon đều liên tục tấn công AI core. Một bài viết của Business Insider cho thấy OpenAI đang phải căng mình giữa nhiều áp lực, từ nội bộ đến đối thủ ngoài, khiến thương vụ Windsurf thất bại chỉ là một “vết thương” lan rộng thêm trong cuộc đua AI.
Theo: Business Insider, Reuters