Lỗ cũng bán
Đăng tin rao bán 2 căn homestay cả gần một tháng nay, anh Nguyễn Hữu Nam (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn sốt ruột vì chưa có khách hỏi mua. Trong khi đó, ngân hàng liên tục giục trả lãi suất cho khoản vay với lãi suất 13%/năm. Anh Nam kể, năm 2020, anh được vài người bạn rủ bỏ phố về rừng ở vùng Sóc Sơn, Hòa Bình để mua đất trang trại kinh doanh homestay. Khi đó, có trong tay gần 8 tỉ đồng, anh Nam vay thêm gần 5 tỉ đồng để mua 2 mảnh đất ở xã Bắc Sơn (H.Sóc Sơn, Hà Nội) và tỉnh Hòa Bình.
Homestay đã được xây dựng, túc tắc có khách, gia đình lại có nơi tránh dịch Covid-19 nên thời gian đầu rất hào hứng. Nhưng, từ đầu năm đến nay, lượng khách giảm mạnh, cuối tuần vẫn nhiều phòng trống. Doanh thu không đủ bù chi, cộng với áp lực nợ vay, anh Nam đành rao bán cả 2 mảnh đất trên với giá cắt lỗ.
Không chỉ trường hợp anh Nam, không ít người từng hào hứng với trào lưu “bỏ phố về rừng”, “bỏ phố về biển”, mua đất để tích sản… bây giờ chia sẻ “ngậm trái đắng”.
Vợ chồng chị Trần Thúy Hiền (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm 2019 cũng hùn tiền mua được một mảnh đất hơn 8.000 m2 ở H.Ba Vì (Hà Nội) để làm homestay. Chị Hiền cho biết có tiền nhàn rỗi, giai đoạn đó lãi suất ngân hàng lại thấp, vợ chồng chị lại không am hiểu về các kênh đầu tư khác nên anh chị chốt đi săn tìm đất làm homestay.
“Tôi dự tính coi như mua đất làm của để đành, sau này có về hưu thì về ngoại ô ở luôn, không khí vừa trong lành mà muốn về trung tâm thành phố cũng thuận tiện”, chị Hiền chia sẻ.
Tuy nhiên, gia đình có nhu cầu đi định cư nước ngoài nên từ đầu năm nay, chị Hiền đăng tin rao bán homestay. Ban đầu, chị tính để đó rồi nhờ người quen vận hành. Nhưng, chi phí vận hành nhiều, phải thuê nhân công dọn vệ sinh hàng ngày, giặt chăn ga, cắt tỉa chăm sóc tiểu cảnh…
“Tính ra tháng nào cũng bù lỗ vì từ sau khi dịch Covid-19 thì rất thưa khách thuê, thu không đủ chi phí vận hành. Mùa đông khách ổn hơn hè nhưng cũng không thấm vào đâu cả”, chị Hiền kể. Giá ban đầu chị Hiền rao là 25 tỉ đồng, nhưng ế ẩm nên chị hạ xuống còn 20 tỉ đồng, bao phí sang tên.
Tại nhiều hội nhóm bỏ phố về rừng, lập làng Hà Nội trên đồi, đất trang trại nghỉ dưỡng… không khó bắt gặp những tin rao vặt bán cắt lỗ đất nghỉ dưỡng, trang trại, homestay ở các huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ… thuộc Hà Nội; các huyện Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi, TP.Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình… nhưng có rất ít người quan tâm.
Lô đất diện tích lớn không có người hỏi
Theo khảo sát của Thanh Niên, từ đầu tháng 5 đến nay, trên một website chuyên về rao vặt bất động sản đã xuất hiện tới cả trăm tin đăng rao bán homestay, chủ yếu tập trung tại H.Sóc Sơn (Hà Nội). Giá rao bán với lô gần 3.400 m2 là 15 tỉ đồng, một số mảnh 1.400 – 1.600 m2 có giá rao bán khoảng 6 – 7 tỉ đồng. Với các khu đã hoàn thiện, giá rao bán đều vượt 10 tỉ đồng, lên tới 17 – 20 tỉ đồng cho hơn các khu 1.300 – 1.400 m2…
Tương tự, tại Hòa Bình, một môi giới tên Thanh cho biết hiện homestay, nhà vườn mà anh này được gửi bán lên tới gần 30 căn. Theo lời anh Thanh, nếu như cách đây 2 – 3 năm, hầu như ngày nào anh cũng được nhờ săn mua đất rừng, trang trại cho những người muốn bỏ phố về rừng để làm homestay thì khoảng từ giữa năm 2022 đến nay, nhà đầu tư lại bán ra ồ ạt.
“Cao điểm từ đầu năm nay đến nay, khách gửi bán homestay rất nhiều. Một số thì bán do không gồng được lãi suất ngân hàng nữa, số khác thì vốn dĩ là chủ doanh nghiệp, lúc tiền nong dư dả thì đi đầu tư nhưng hiện giờ không xoay xở được nữa nên phải bán tài sản để hoạt động tiếp. Số nhà đầu tư cá nhân bán vì muốn chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán, không gồng lỗ được nữa khi mà đầu tư tương đối mà lợi nhuận thu về không đủ bù chi phí”, anh Thanh kể.
Cũng theo anh Thanh, có chủ đầu tư rao bán mảnh đất 8,4 ha ở H.Lương Sơn (Hòa Bình) với giá thỏa thuận và cắt lỗ tới 5 tỉ đồng so với lúc mua nhưng nhiều ngày nay chưa tìm được khách vì giá trị quá lớn. Một số người bán những lô nhỏ hơn ở H.Cao Phong diện tích trên dưới 3.000 m2 đã có sẵn một số căn homestay, nhà vườn thì rao giá khoảng 3 – 5 tỉ đồng. “Lúc mua có khi cũng đã giá này mà chưa tính chi phí sang tên, rồi chi phí xây dựng nhà cửa…”, anh Thanh nói.
Theo lời môi giới này, những lô dễ bán nhất là có vị trí đẹp, “view” đẹp, đã có sẵn công trình và giá khoảng 5 tỉ đồng quay đầu, còn đất diện tích lớn, tổng tiền lớn thì ế. “Nhà đầu tư cũng cẩn trọng hơn sau khi nhìn gương những người đầu tư homestay, ăn theo trào lưu bỏ phố về rừng rồi lại muốn bỏ của chạy lấy người”, anh Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết sẽ là rủi ro nếu dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư homestay thời điểm này.
Theo ông Đính, nếu chủ đầu tư không cân đối được dòng tiền, không tính toán được chi phí dự tính để cân đối với lợi nhuận thu về thì sẽ gặp rủi ro lớn. Thực tế cũng cho thấy nhiều trường hợp mất vốn vì đầu tư kiểu này. Chưa kể, người kinh doanh homestay còn cần kiến thức, kinh nghiệm và đầu tư thời gian. “Nếu kinh doanh tay trái thì dễ thất bại. Chưa kể, đầu tư theo trào lưu, ồ ạt thì dễ dẫn tới vỡ trận”, ông Đính bày tỏ.
Chủ tịch VARS phân tích thêm, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thấm mệt vì mấy năm Covid-19, lại thêm xung đột ở Đông Âu khiến cả về kinh tế, chính trị đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những biến động mạnh suốt vài năm qua khiến đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, vận động của dòng tiền… khiến doanh nghiệp khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút, dẫn đến cắt giảm chi tiêu.
Đồng thời, lượng khách du lịch quốc tế nhiều nên ngành du lịch nói chung chưa thể phục hồi, khó khăn sẽ còn trong dài hạn. “Thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch nói riêng sẽ còn khó khăn trong dài hạn”, ông Đính nói.
.