6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ngãi thu ngân sách hơn 12.700 tỷ đồng
Dù được dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức âm nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ngãi có tốc độ tăng trưởng đạt 2,65% và thu ngân sách đạt hơn 12.700 tỷ đồng.
Quảng Ngãi thu ngân sách đạt hơn 12.700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết trong 6 tháng, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi đạt 12.733 tỷ đồng.
Cụ thể, trong 6 tháng, Quảng Ngãi thu đạt 12.733 tỷ đồng, đạt trên 54,4% thu ngân sách nhà nước do trung ương giao cho tỉnh trong năm 2023 là 23.187 tỷ đồng. Nếu tính gia hạn 1.400 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 14.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, mặc dù trong năm 2023, Quảng Ngãi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức âm, nhưng trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 2,65%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội của tỉnh là 15.300 tỷ đồng, đã phân bổ 100% vốn đầu tư công năm 2023, giải ngân đạt 39,63%, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành.
Về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi- Hoài Nhơn, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi đã bàn giao 100% đất nông nghiệp.
Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất vào tháng 2/2023 và đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7/2023.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Quảng Ngãi quyết tâm thực hiện đạt và vượt các mục, chỉ tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có kiến nghị các Bộ, ngành khi ban hành thông tư hướng dẫn cần giảm bớt nội dung cần thông qua HĐND cấp tỉnh; giảm bớt thủ tục hành chính khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu, nhất là nghị quyết 88 về Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm phân bổ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép các tỉnh có nguồn cải cách tiền lương còn nhiều được sử dụng một phần để chi đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện đất nước đang khó khăn.