Giá vàng miếng SJC sáng 13.6 tăng nhẹ 100.000 đồng/lượng. Công ty Mi Hồng mua vào 66,5 triệu đồng, bán ra 66,95 triệu đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC giữ giá vàng đứng yên ở mức 66,5 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 67,1 triệu đồng. Eximbank cũng giữ giá mua vàng ở mức 66,5 triệu đồng, bán ra 67 triệu đồng… Trong khi đó, giá vàng nhẫn giảm 100.000 đồng, Công ty SJC mua vào còn 55,5 triệu đồng, bán ra 56,6 triệu đồng. Vàng nhẫn có giá thấp hơn thế giới 360.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng bán ra cao hơn 750.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới biến động khá thận trọng trước khi cuộc họp về lãi suất của Mỹ được công bố. Kim loại quý đã tăng từ 1.960 USD/ounce lên 1.967 USD/ounce trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 12.6). Thế nhưng sau đó nhanh chóng giảm sâu xuống lại mức 1.948 USD/ounce trước khi về mức 1.960 USD/ounce. So với chiều 12.6, giá vàng tăng nhẹ 1 USD/ounce.
Thị trường vàng không những chờ đợi quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mà hôm nay, Mỹ cũng sẽ công bố chỉ số lạm phát CPI. Thông thường, chỉ số CPI tăng sẽ giúp vàng lên giá nhưng hiện nay hoàn toàn ngược lại. CPI tăng, điều này củng cố cho nhận định Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kéo lạm phát về với mục tiêu kế hoạch đặt ra. Dẫn đến USD tăng giá và vàng đi xuống. Trong trường hợp CPI giảm, giá vàng sẽ đi lên vì khả năng Fed dừng tăng lãi suất.
Lực mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn gia tăng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa mua thêm 16 tấn vàng dự trữ trong tháng 5. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp, Trung Quốc mua vàng được 144 tấn, lượng vàng tích lũy lên 2.092 tấn. Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đã ghi nhận trong quý 1/2023, các ngân hàng trung ương đã mua 228,4 tấn vàng, đây là quý mà các nước mua vàng lớn nhất từ trước đến nay. Theo kết quả khảo sát của WGC trong tháng 5, một nửa số ngân hàng trung ương kỳ vọng tỷ lệ dự trữ bằng đồng đô la sẽ tiếp tục giảm, chiếm 40 – 50% trong 5 năm tới. Trong khi đó, dự trữ bằng vàng được dự báo sẽ tăng trong cùng khoảng thời gian.