Ngày 10/8, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (Hội đồng) chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng để rà soát việc thực hiện các nội dung đề ra tại Hội nghị lần thứ ba và triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ LÀ MỘT ĐẦU TÀU KINH TẾ CỦA CẢ NƯỚC
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024. Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai.
Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo tình hình triển khai Đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; tỉnh Đồng Nai tham luận về phát triển giao thông kết nối sân bay Long Thành; UBND TPHCM đề xuất phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị Thành phố.
Cách đây 3 tháng (ngày 5/5/2024), Hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Tây Ninh đã sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 24-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ số 154/NQ-CP về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ; công bố và triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát các cơ chế chính sách đặc thù vùng; tình hình triển khai các dự án quan trọng, liên kết vùng.
Theo các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, trong 9 nhiệm vụ được giao tại Hội nghị vào tháng 5, đến nay đã hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ là: (i) Đã bổ sung quy hoạch bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư; (iii) Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa.
Cùng với đó, kết quả phát triển kinh tế – xã hội thời gian vừa qua của vùng Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển.
Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt 452.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng. Giá trị xuất khẩu đạt trên 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).
Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%. Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024, tương ứng 20.000 dự án và 187,4 tỷ USD, trong đó, TPHCM đứng đầu cả nước (chiếm gần 32% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký).
Tính đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.
KHẨN TRƯƠNG KHỞI CÔNG CÁC TUYẾN CAO TỐC TRỌNG ĐIỂM
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo, ý kiến phát biểu tại Hội nghị, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến được nêu, để tiếp tục tham mưu hiệu quả cho Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ trong quá trình triển khai Quy hoạch vùng thời gian tới.
Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hội đồng điều phối vùng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan để giúp hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành sau Hội nghị lần thứ ba; đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm của lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới, đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành quả chung của cả nước thời gian qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.
Tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa thực sự bền vững do khả năng chống chịu và chưa có các giải pháp kịp thời trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.
Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc nhưng chậm được cải thiện, nhất là tại TPHCM. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ.
Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng trong thời gian tới và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng nhấn mạnh một số phương hướng, nhiệm vụ.
Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 và năm 2024; chủ động bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời.
Về các nhiệm vụ chung, trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến năm 2024 đã đề ra để quyết liệt nỗ lực, phấn đấu hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Cùng với đó, tích cực, quyết liệt triển khai công tác quy hoạch. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn để cùng các bộ, ngành Trung ương đề xuất sửa đổi một số luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.
Đồng thời, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo…). Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tăng cường liên kết vùng.
“Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tập trung vào các ngành mới nổi; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.
Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.
Thủ tướng giao TPHCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 TPHCM tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11/2024.
TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, Chơn Thành – Gia Nghĩa, TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.
Các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.
Chiều 10/8, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và dự Lễ khánh thành hầm chui mới trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới công trường dự án này.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước); tiến độ xây dựng dự kiến 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tại công trường dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các cơ quan liên quan, chủ đầu tư ACV, các nhà thầu trong triển khai dự án, bù lại tiến độ bị chậm trước đây và đặc biệt là 3.000 công nhân lao động hăng say trên công trường.
Để thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình, đưa vào vận hành, khai thác dịp 30/4/2025 chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng yêu cầu ACV tập trung nhân lực của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công…, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục phát huy tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, đưa dự án vào vận hành khai thác đúng tiến độ yêu cầu.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ thông xe gói thầu số 9 – Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM; đồng thời phát động đợt thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thông xe toàn bộ tuyến đường vào 31/12/2024, sẵn sàng phục vụ nhà ga T3 khi đưa vào khai thác.
Đánh giá cao quyết tâm cao của TPHCM trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị TPHCM rút kinh nghiệm tốt từ dự án để cùng các cơ quan liên quan triển khai các dự án tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đang triển khai, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (gồm đường bộ, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị) theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, làm nền tảng để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.