Tại lễ bế giảng Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch kết hợp tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức chiều 9/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao.
ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH BÁN DẪN
Vì vậy, báo cáo tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050. Công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và dẫn dắt đang được các địa phương, doanh nghiệp và trường đại học hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai đồng loạt.
“Chúng ta đang có lợi thế rất mạnh là nguồn nhân lực trong khi thế giới đang thiếu nguồn nhân lực. Do đó, tập trung đẩy mạnh đào tạo là vấn đề chiến lược”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, đầu năm nay, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo của thành phố chính thức đi vào hoạt động; thành phố đã ký kết hai hợp tác chiến lược với Tập đoàn Synopsys International Limited và Tập đoàn Intel để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đà Nẵng cũng quyết định xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, trên cơ sở là nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.
Trong khi đó, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết. Sự tham gia và hợp tác này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Mô hình hợp tác như hiện nay giữa NIC và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, FPT và các trường đào tạo, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cần được nhân rộng”, PGS.TS Vũ Hải Quân nói.
SỚM THÁO GỠ NHỮNG TRỞ NGẠI
Theo các đại biểu, hợp tác Nhà nước – viện, trường – doanh nghiệp sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Song hiện nay, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp có một số trở ngại.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa ba bên. Cụ thể, cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan.
Còn theo PGS.TS Vũ Hải Quân, có thực tế là các doanh nghiệp đặt mục tiêu chính là tuyển dụng nhân sự vi mạch bán dẫn thay vì đồng hành với các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp vi mạch ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít nhu cầu phát triển hợp tác nghiên cứu và đào tạo (R&D).
Về phía các trường đại học, lực lượng nghiên cứu có khả năng thực chiến, giải quyết được các bài toán của doanh nghiệp còn ít; thiếu chính sách thu hút, hỗ trợ nhà khoa học, sinh viên tài năng; thiếu công cụ thiết kế chuyên nghiệp dẫn đến sản phẩm nghiên cứu khó thuyết phục doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS. Vũ Hải Quân đề nghị, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các trường trong đào tạo nhân lực bán dẫn. Đồng thời, đầu tư có trọng tâm, tập trung cho các trường đã và đang làm tốt việc đào tạo, nghiên cứu bán dẫn. Thực tế, bán dẫn là một hệ sinh thái có nhiều ngành giao thoa, trong đó có vật lý, khoa học vật liệu, một số ngành của trí tuệ nhân tạo… Vì vậy, về lý thuyết là đầu tư cho bán dẫn, song thực chất là cho cả một hệ sinh thái. Việc Đảng và Nhà nước có chủ trương đầu tư cho một lĩnh vực cụ thể với một nguồn kinh phí lớn, như bán dẫn, là hết sức cần thiết.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất sớm ban hành Chiến lược về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, trong đó phân bổ các nguồn lực thích hợp, tập trung tạo điều kiện cho các địa phương có thế mạnh. Đồng thời, có phương án đầu tư Trung tâm phục vụ công nghiệp bán dẫn quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư tại Việt Nam. “Chúng tôi sẵn sàng dành quỹ đất và nguồn lực đầu tư công để đầu tư trung tâm này”, Bí thư Nguyễn Văn Quảng cam kết đồng thời mong muốn có cơ chế thành lập các Quỹ đầu tư, Quỹ hỗ trợ ở cấp quốc gia để hỗ trợ các địa phương phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn. Ông cho biết, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, việc Nhà nước hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ bước đầu, rất cần thiết.
Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030.
“Khi Đề án đào tạo nhân lực cùng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn được ban hành, cùng với hạ tầng tốt, thể chế tốt và nhân lực tốt sẽ quyết định sự thành công của Việt Nam trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị của ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.