Chia sẻ với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông báo đàn lợn tăng trưởng tốt. Thời điểm cuối năm 2024, tổng đàn lợn ở nước ta tăng lên ngưỡng 31 triệu con, đảm bảo nguồn cung.
Trên thực tế, nguồn cung thịt lợn vẫn thiếu hụt, đẩy giá tăng cao.
Ông Chinh – đại diện Ban Quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam – sáng 11/2 cho hay: “Hôm nay, số lượng lợn hơi đổ về chợ dừng ở 400-500 con, chỉ bằng 1/5 so với ngày thường”.
Theo ông, dịch tả lợn châu Phi cùng các bệnh dịch khác đang hoành hành tại các trang trại, làm lợn của các hộ dân bị chết rất nhiều. Hơn nữa, một số thương lái đang tích cực gom mua lợn từ các trang trại ngoài Bắc đưa vào miền Nam tiêu thụ. Do đó, nguồn cung lợn hơi về chợ vốn đã khan hiếm nay càng ít hơn, đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán.
Từ mùng 4 Tết đến nay, giá lợn vào đà tăng mạnh. Hiện lợn hơi vọt lên mức 70.000-73.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chạm mốc 75.000 đồng/kg; trong khi trước Tết là 67.000-68.000 đồng/kg, ông Chinh nói với VietNamNet.
![thit lon.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/11/thit-lon-127298.jpg?width=0&s=zNySX4ge0H-MnCabIcSUag)
Theo dữ liệu trên Anova feed, giá lợn hơi xuất chuồng ngày 11/2 tăng cao, dao động từ 68.000-72.000 đồng/kg. Riêng giá lợn hơi ở Đồng Nai ghi nhận mức đỉnh 73.000 đồng/kg – mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
“Ở khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là Đồng Nai, thương lái đang lùng mua lợn hơi với giá 73.000-75.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ. Theo ông, giá lợn tăng hay giảm là do cung – cầu trên thị trường quyết định. Đợt này giá tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt lớn bất chấp sức mua thịt lợn tại các chợ vẫn còn khá yếu.
Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai dẫn chứng, tại chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Điền (Quận 8. TPHCM), mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 con lợn, nhưng nay số lượng về chợ giảm 50%, còn khoảng 3.000-3.500 con.
Ông lưu ý, thời điểm tháng 11-12 năm ngoái, dịch bệnh càn quét, lợn chết rất nhiều. Cùng với đó, các tỉnh, thành siết chặt vấn đề môi trường trong chăn nuôi, trang trại không đủ điều kiện buộc phải “treo chuồng”.
Những nguyên nhân này dẫn đến nguồn cung thịt lợn thiếu hụt từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thời điểm đó, các doanh nghiệp phân phối lớn phải “kìm giá” để không ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Nay, giá lợn tăng phản ánh đúng theo cung – cầu thị trường.
Có doanh nghiệp chiếm thị phần chăn nuôi rất lớn hôm nay còn báo giá cho biểu cân lợn hơi trọng lượng từ 61kg ở khu vực Đồng Nai. Điều này cho thấy, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lợn hơi thiếu hụt nên phải “bán non”. Trong khi đó, thương lái đang phải gom mua lợn từ các tỉnh Nam Trung Bộ đưa vào miền Nam để tiêu thụ, ông cho hay.
Cũng theo ông Đoán, giá lợn sẽ tăng và neo ở mức cao nhưng không kéo dài. Bởi, khi lợn hơi xuất chuồng bán được giá cao, lợi nhuận tốt, người dân sẽ ồ ạt tái đàn. Đến lúc cung tăng, giá mặt hàng này sẽ hạ nhiệt.
Ông Đoán cũng lý giải, với người chăn nuôi, giá lợn hơi chỉ cần duy trì ở ngưỡng 63.000-65.000 đồng đã đảm bảo lợi nhuận tốt. Còn mức giá như hiện nay, nếu xét về lý thuyết người chăn nuôi có lãi rất cao, song phải xem nông dân còn lợn để bán không.
Thực tế, hộ chăn nuôi thời điểm này không còn nhiều lợn để xuất chuồng vì trước đó lợn bị dịch chết nhiều, hoặc sợ dịch bệnh không dám vào đàn. Ngay cả doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô chăn nuôi do dịch bệnh hoành hành.
![](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/1/14/gia-thit-lon-vot-len-dinh-hang-lau-do-ve-cho-viet-canh-bao-lon-an-chat-cam-60996.jpg?width=0&s=FslGvacTZAkWlNRMerBxRQ)