Tham gia chương trình Famtrip “Khảo sát tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức vào cuối năm 2024, một trong những điểm đến thú vị với du khách gần xa là điểm du lịch cộng đồng của người Sán Chay ở xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương.
BẢO TỒN NÉT ĐẸP VĂN HOÁ
Đồng Tiến là xóm thuộc xã miền núi Yên Lạc của huyện Phú Lương, với 80% người dân là đồng bào dân tộc Sán Chay. Cảnh sắc nguyên sơ, giàu bản sắc văn hóa là những lợi thế để xóm Đồng Tiến phát triển du lịch cộng đồng. Đến đây, đoàn khảo sát được tham quan những ngôi nhà sàn cổ của gia đình bà Hoàng Thị Hằng.
Trong xóm Đồng Tiến hiện còn giữ lại được khoảng 30 ngôi nhà sàn cổ, tuổi từ 50-100 năm. Sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ngôi nhà sàn cổ, bà Hằng giới thiệu trang phục thường ngày của phụ nữ Sán Chay là váy chàm và áo dài có trang trí hoa văn ở nách và lưng áo, trên đầu đội khăn vuông màu chàm đen. Những ngày hội hè, phụ nữ sẽ mặc những bộ đồ chàm được trang trí đẹp hơn.
Dừng chân tại một ngôi nhà sàn homstay ở xóm Đồng Tiến, chúng tôi được trải nghiệm xem trình diễn điệu múa Tắc Xình và nghe hát Sấng Cọ. Người dân nhiệt tình giới thiệu về hoạt động văn hóa và nghi lễ truyền thống, giúp khách tham quan cảm nhận sâu sắc hơn về bản sắc dân tộc.
“Múa Tắc Xình hội tụ đủ các yếu tố của trình thức biểu diễn dân gian, được cộng đồng người Sán Chay lưu truyền, bảo tồn qua nhiều thế hệ, đã trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên”.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương.
Giới thiệu về các điệu nhảy Tắc Xình, bà Hoàng Thị Hằng cho hay tại lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay thường tổ chức diễn xướng dân gian với những bài hát giao duyên và các điệu múa cổ độc đáo như: “Xúc tép”, “Tắc Xình”, “múa Trống”, “múa Đâm cá”… Trong đó, múa Tắc Xình có chín điệu cơ bản gồm: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim gâu.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, giới thiệu thêm: “Nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc của người Sán Chay được phản ánh qua hệ thống, phong tục, tín ngưỡng, các ngày Tết, lễ hội.
GIỮ GÌN HƯƠNG VỊ TẾT CỔ TRUYỀN
Kể về Tết của người Sán Chay, bà Ninh Thị Mão, một người đã cao tuổi ở xóm Đồng Tiến, cho biết xưa tập quán ăn Tết Nguyên đán từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày 15 tháng Giêng năm sau mới hóa vàng hết Tết. Ngày nay, đồng bào Sán Chay chỉ ăn Tết hết ngày mùng 4 âm lịch.
Trong tuần trước Tết, từng nhà chuẩn bị trang hoàng, dán những mảnh giấy đỏ lên những nơi quan trọng như ngõ vào nhà, cửa ra vào, cửa buồng, ban thờ tổ tiên, chuồng trại chăn nuôi, hay các dụng cụ dùng canh tác nông nghiệp… nhằm báo hiệu Tết đã về; cùng với đó, trang trí và lau dọn bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên của người Sán Chay được chia làm hai tầng, tầng trên là nơi trang trọng nhất để thờ các cụ tổ, được thờ chay bằng bánh trái, hoa quả, rượu…Bên dưới là bàn thờ các cụ dưới 5 đời và đồ cúng gồm các thức ăn mặn.
Các món ăn cúng Tết là các loại bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, bánh rán, bỏng, bánh chim gâu… Mâm cỗ dâng lên tổ tiên ngày 30 Tết phải đầy đủ gồm: gà luộc nguyên con, bánh chưng, thịt lợn luộc hoặc quay nguyên miếng, cá nguyên con, lạp sườn, bát miến, khau nhục.
Vào đêm 30 rạng sáng mùng Một Tết, mỗi gia đình Sán Chay thường sắp lễ để cúng “Bàn ham”, trước hết là báo cáo với tổ tiên giao thời giữa năm cũ và năm mới đã điểm. Sau đó cúng, ban phát cho các “hồn ma” vất vưởng được ăn Tết và không gây hại cho mọi người trong năm mới.
Sáng mồng Một Tết, người Sán Chay kiêng không ăn trước 12 giờ trưa. Sau 12 giờ trưa các gia đình mới làm cơm để cúng và ăn bữa cơm đầu năm mới. “Ngày mùng Một Tết là Tết của tổ tiên, tất cả những may mắn của năm mới đều do tổ tiên mang lại, nên ngày mùng Một Tết, mọi người phải ở nhà phục vụ cho việc thắp hương cúng lễ tổ tiên, kiêng không đến chơi chúc Tết hàng xóm, láng giềng trong ngày đầu năm”, bà Mão cho biết.
“Sáng mùng Một Tết, các gia đình đều dậy sớm từ lúc gà gáy, để đi lấy nước ở con suối nước trong, tinh khiết nhất của làng. Khi đi lấy nước, mọi người luôn đem theo một thẻ hương cầu khấn thần suối, thần nước ban cho xin nước Rồng. Sau đó, dùng một cọng hành, hút nước suối vào mồm súc miệng 3 lần”.
Bà Ninh Thị Mão, xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương.
Mồng Hai Tết, tại miếu thờ chung của làng, Trưởng làng cùng các bậc cao niên làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng lễ thổ thần. Các gia đình trong làng cũng sắm sửa lễ vật đem đến dâng cúng. Thầy cúng bái lạy trước bàn hương thổ công, đọc nội dung của bài cúng Nôm của người Sán Chay, cầu khấn thổ thần phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, “lúa tốt bằng vai, khoai tốt bằng đầu”.
Tại khu sinh hoạt chung của xóm Đồng Tiến, từ ngày mùng Hai Tết trở đi cho đến giữa tháng Giêng, làng tổ chức cho nam nữ thanh niên hát “Sình ca/Soóng cọ”; múa “Tắc Xình”; tham gia vui chơi với các trò chơi dân gian.
BẢO TỒN VĂN HOÁ ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Hiện nay, sinh kế của người dân ở xóm Đồng Tiến chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp: trồng rừng, trồng chè, ngô, lúa và chăn nuôi quy mô hộ. Vào tháng 5/2024, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc ra đời, với 13 thành viên.
Bà Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã, cho biết từ năm 2019, xóm Đồng Tiến là một trong hai xóm của xã Yên Lạc được lựa chọn triển khai dự án Áp dụng học thuyết kinh tế vào Phát triển cộng đồng bền vững do Cơ quan Hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA) tài trợ.
Dự án tập trung phát triển du lịch cộng đồng, khai thác văn hóa bản địa, tận dụng các nguồn lợi kinh tế từ cây lâm nghiệp. Một số hộ dân đã được đến tham quan thực tế tại Thái Lan và về áp dụng thực hiện tại gia đình. Bà Hoàng Thị Hằng tâm sự đã được đi trải nghiệm ở Thái Lan, khi trở về bà đã làm homstay phục vụ lưu trú, dùng các sản vật bản địa nấu các món ăn sạch phục vụ du khách. Đồng thời, tổ chức nhóm biểu diễn các tiết mục văn hoá cổ truyền để thu hút du khách. Cùng với đó, bà con trong xóm đã sản xuất các đặc sản nông nghiệp cổ truyền, các bài thuốc dân gian và gối thảo dược để bán.
Ông Thi Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, cho biết xóm Đồng Tiến vừa rồi đã thành lập được 2 hợp tác xã du lịch: Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến và Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Bảo Thanh. Hiện tại 2 hợp tác xã này hoạt động khá hiệu quả. Ngoài dịch vụ ẩm thực, còn có các hoạt động trải nghiệm, tham quan các nương chè, sao chế chè, trồng các cây dược liệu tại địa phương… Hiện mỗi tuần có từ 3-7 đoàn khách đến tham quan và ngủ lại qua đêm ở xóm Đồng Tiến.
“Đóng góp của các hợp tác xã du lịch cộng đồng vào sinh kế và phát triển kinh tế đã rõ rệt. Trước đây, đa số đồng bào người dân tộc Sán Chay ở Đồng Tiến là hộ nghèo, cận nghèo, nhưng từ khi bắt tay vào làm du lịch, đời sống kinh tế của bà con đang dần được cải thiện, thu nhập bình quân đạt trên 55 triệu đồng/người/năm. Đến nay hộ nghèo không còn nữa. Các gia đình trước đây ở nhà tạm, nhà dột nát, thì nay đã dựng được nhà, không còn dột nát nữa”, ông Thưởng khẳng định.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, cho hay huyện Phú Lương đã xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển du lịch đến năm 2025 và thời gian tiếp theo. Trong đó, có mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia múa Tắc Xình và hát Sấng Cọ của người Sán Chay, nhằm tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững…
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 3-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam