Ngay khi nước Mỹ bước vào chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2024 và khi kết quả ngã ngũ, nhiều quốc gia đã nhóm họp, các nghiên cứu viên nghiên cứu các chính sách đã tham vấn các bên về chính sách mới của nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump. Trong số đó đứng đầu là Trung Quốc, một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ, tiếp đến là Mexico, Canada và EU…
Còn với Việt Nam thì sao? Theo tiết lộ của Thương vụ Việt Nam, bộ phận tham tán thương mại, các cơ quan ngoại vụ đã tiến hành rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và nhóm họp để bàn về các giải pháp trong tình hình mới, cũng như đưa ra các kịch bản đo lường chính sách của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
“Tổng thống Trump phiên bản 1.0 (năm 2017 – 2020) đã có rất nhiều chính sách thay đổi nhanh chỉ trong vài giờ. Với nhiệm kỳ thứ hai này, chắc chắn còn nhiều thay đổi nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa không chỉ với những phần việc nhiệm kỳ trước chưa thực hiện được mà còn cả trong những lĩnh vực mới. Việc nhóm họp giữa các quan sát viên là điều làm thường xuyên, liên tục, chúng tôi đang làm hàng ngày, hàng giờ”, đại diện thương vụ Việt Nam chia sẻ.
Mặc dù không tiết lộ chi tiết các kế hoạch, kịch bản phác hoạ khả năng đối phó với các chính sách của ông Trump, song có một điều chắc chắn là chặng đường phía trước với kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều biến động.
Trò chuyện với Dân Việt, học giả Hà Tôn Vinh từ Hoa Kỳ cho biết: Lợi ích quốc gia là tối thượng, Tổng thống Donald Trump xuất thân là doanh nhân, mục tiêu đầu tiêu là lợi ích cho nước Mỹ, công bằng trong tất cả mọi vấn đề, thậm chí ông ấy còn muốn nhiều hơn thế. Và để thực hiện chiến lược công bằng thương mại với Mỹ, Việt Nam đã và đang thực hiện khá nhiều việc, trong đó các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tăng đầu tư vào Mỹ, tăng mua hàng Mỹ trong thời gian qua như VinFast, như Vietjet…
Thực tế trong suốt chặng đường tranh cử, ngoài vấn đề người nhập cư, ở lĩnh vực kinh tế cụm từ được Donald Trump nhắc nhiều nhất chính là “công việc cho người Mỹ”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “đánh thuế công bằng”… Đây vốn là công việc mà ông thực hiện còn dang dở tại nhiệm kỳ trước, khi muốn kéo công việc về với người Mỹ, không muốn để thị trường Mỹ cho nước ngoài khai thác triệt để. Nhiều khả năng, đó vẫn là quyết định mà ông và nội các muốn dành thực hiện ở nhiệm kỳ thứ 2 lần này.
Vậy, ai sẽ cảm thấy thách thức khi ông Trump thực thi các chính sách này? Đó là những quốc gia xuất khẩu lớn vào Mỹ trong thời gian qua như Trung Quốc, như Mexico, Canada, EU… thậm chí cả Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, ông Trump là vị tổng thống nói là làm, nhanh và dứt khoát. Nhưng, trong mối quan hệ thế giới phức tạp, lợi ích đan xen, không dễ để áp đặt các vấn đề một cách thẳng thừng, hệ quả chỉ là các tổn thương cho mối quan hệ các nền kinh tế. Là tổng thống đề cao sự hiệu quả, ông ấy sẽ cân đong các lợi ích chiến lược, buộc các nền kinh tế xuất khẩu lớn vào Mỹ thoả hiệp mua hàng nhiều hơn từ Mỹ, giảm thâm hụt thương mại, tiến đến quan hệ thương mại công bằng.
Vậy, vì sao lại nhắc đến Trung Quốc? Việt Nam đứng ở đâu trong mối quan hệ giữa Mỹ – Trung Quốc mà cần nghiên cứu quan hệ giữa hai “ông lớn” này?
Trung Quốc – một trong ba nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, thặng dư thương mại hàng năm với thị trường Mỹ là hàng trăm tỷ USD. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 12/2024, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại với Mỹ hơn 33,5 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với tháng 11/2024. Do đó, từ từ sớm, từ xa, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống “phản ứng nhanh” trước các chính sách của ông Trump khi Mỹ có kết quả bầu cử.
Đơn cử từ cuối tháng 9, để phản ứng trước các cú sốc của ông Trump, giới chức Trung Quốc đã tăng cường chính sách nới lỏng cả tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích kinh tế nước này. Bên cạnh đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì có hiệu quả tăng mua hàng từ Mỹ với trị giá 200 tỷ USD/năm như cam kết đưa ra năm 2020.
Thực tế, so về thặng dư thương mại vào thị trường Mỹ, thặng dư thương mại giữa Việt Nam – Mỹ hàng năm vào khoảng 100 tỷ USD/năm (năm 2024), chỉ bằng thặng dư thương mại vài tháng của hàng Trung Quốc vào Mỹ. Nếu cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương nhất vì là nền kinh tế nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ.
Trung Quốc là nước mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất trong 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong cán cân thương mại xuất khẩu của Trung Quốc, Việt Nam cũng vượt qua Nhật Bản, trở thành nước thứ 3 Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất.
Trong khi đó, Mỹ lại là thị trường Việt Nam xuất khẩu lớn nhất, kim ngạch thương mại luôn thường trực thặng dư hàng chục tỷ USD/năm. Thị trường Hoa Kỳ là miếng bánh cho các ngành xuất khẩu chủ lực tôm, cá, gỗ, dệt may, da giày… của Việt Nam.
Điều đáng nói, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam hiện chưa tự chủ hoàn toàn về nguyên liệu xuất khẩu, vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công, chế biến và xuất khẩu sang nước thứ 3, trong đó có Mỹ, với viễn cảnh xuất khẩu vào Mỹ trở nên khó khăn hơn khi nước này áp nhiều lệnh hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo số liệu mới đây của Bộ Công Thương, riêng năm 2024, Việt Nam đã chịu 27 cuộc điều tra về phòng vệ thương mại từ nước ngoài, trong đó từ Mỹ chiếm 50%. Trong lịch sử quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam đã đối diện trên hàng trăm cuộc điều tra hoặc các cáo buộc điều tra về phòng vệ thương mại từ các hiệp hội, ngành hàng của Mỹ. Các vụ khiếu nại phòng vệ thương mại chủ yếu là bán phá giá, điều tra trợ cấp, chống xuất xứ…
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước nguy cơ gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại từ thị trường Mỹ và các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, thời gian qua Bộ Công Thương đã xây dựng 2 kịch bản ứng phó với tác động từ chính sách thuế mới khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2.
Kịch bản khả quan nhất là Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Kịch bản thứ 2, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Mỹ và tạo sức ép với Việt Nam. Với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.
Việc tăng cường áp đặt các cuộc điều tra phòng vệ thương mại cho thấy thông lệ kinh tế quen thuộc của doanh nghiệp Mỹ đối với các hàng hoá nhập khẩu từ nước khác vào thị trường này, đòi hỏi các nhà nhập khẩu cần chủ động trước các cuộc cạnh tranh mới, phi truyền thống.
Tuy nhiên, điều này cho thấy khả năng áp đặt các cuộc điều tra sẽ gay gắt hơn đối với giá cả, xuất xứ nguyên liệu, hàng hoá bán thảnh phẩm. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn những lĩnh vực, ngành xuất khẩu trị giá hàng chục tỷ USD của Việt Nam như may mặc, điện tử, máy móc sẽ bị ảnh hưởng.
Trong sân chơi thương mại giữa các quốc gia, triết lý “win – win” (cùng có lợi) được các bên đề cao hơn và thực tế đã đang được các nước sử dụng như lá bài chiến lược để thương thảo, làm ăn. Với Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn bên cạnh việc khai thác xuất khẩu hàng hoá nhiều, doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh mua hàng nhiều hơn từ Mỹ, đặc biệt các hàng hoá là công nghệ, máy móc kỹ thuật cao mà nước này có thế mạnh, có giá trị lớn để bù đắp thâm hụt.
Hơn nữa, việc đa dạng thị trường xuất khẩu, chủ động nguyên liệu gốc cho hàng xuất khẩu, gia tăng hàm lượng giá trị hàng xuất khẩu trong nước… cần phải thực hiện nhanh và quyết liệt hơn để giảm các rủi ro tương lai của các ngành xuất khẩu chiến lược trước các áp lực có thể xảy ra trong tương lai.