Trao đổi với Thanh Niên, một doanh nghiệp vận tải có xe khách chuyên tuyến Hà Nội – Lào Cai cho biết chưa nắm được thông tin sẽ tăng phí BOT bao nhiêu. Nhưng nếu tăng tối đa 18% theo hợp đồng thì sẽ ảnh hưởng “khủng khiếp” tới hoạt động vận tải.
Theo ông này, hợp đồng BOT 3 năm tăng phí một lần, nhưng không thể chỉ tăng mà không giảm. Thời điểm này, từ góc độ doanh nghiệp kinh doanh thì thấy phải giảm phí chứ không phải tăng.
Các dự án BOT hiện đều hoạt động đa số đều rất tốt, có những dự án lưu lượng xe tăng tới 2 – 3 lần, thậm chí 7 – 8 lần. Ví dụ như cao tốc Nội Bài – Lào Cai năm 2015 bắt đầu vận hành, lưu lượng xe một ngày chỉ có 7.000 – 8.000 xe, cuối tuần 12.000 – 14.000 xe. Nhưng hiện nay cuối tuần tới 50.000 – 60.000 xe, các dự án thành công, doanh thu cao hơn, trong khi chi phí nhân công thu phí giảm nhiều vì đã thu phí tự động ETC.
Tăng phí 47 trạm thu phí BOT từ 29.12
“Lãi suất ngân hàng đang giảm, chi phí giảm đi, lưu lượng xe tăng lên mà dự án BOT lại tăng phí thì quá bất hợp lý. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay người dân đều đang khó khăn”, đại diện doanh nghiệp vận tải cho biết, nếu giá phí BOT tăng thì chắc chắn giá cước vận tải sẽ phải tăng theo.
Lãnh đạo Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, nằm trong số các dự án BOT được phép tăng phí tới đây, cho biết từ khi thu phí cuối 2015 đến 2017 – 2018 theo kêu gọi của Chính phủ để giảm lạm phát, dự án đã giảm 25% phí, nhưng sau đó chưa tăng trở lại lần nào.
Dự kiến lần tăng phí tới đây, dự án này sẽ tăng phí khoảng 18% (mức tối đa theo lộ trình tăng phí 3 năm/lần), doanh thu thu phí có thể tăng tương ứng.
Về việc các doanh nghiệp vận tải cho rằng việc tăng phí thời điểm này là không phù hợp, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, nếu tăng phí thì chắc chắn doanh nghiệp vận tải và người tham gia giao thông sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng chiều ngược lại nếu không tăng phí dự án thì các nhà đầu tư BOT và các ngân hàng cho vay đều bị ảnh hưởng.
“Hiện nay khoảng 70% doanh thu của các dự án BOT đều không đạt phương án tài chính, thậm chí có dự án BOT chỉ đạt 20 – 30% phương án. Ngân hàng và nhà đầu tư BOT sẽ “chết”, không hoàn vốn được. Doanh nghiệp vận tải hay ngân hàng, nhà đầu tư cũng là doanh nghiệp, cần có tiếng nói chung hài hòa”, lãnh đạo Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, chia sẻ với nhà đầu tư vì lộ trình tăng phí theo thời hạn là 3 năm/lần, nhưng 6 – 7 năm trở lại đây đa số các dự án BOT đều không được tăng phí.
“Việc nhà nước phải xem xét để điều chỉnh mức thu phí theo hợp đồng BOT và phương án tài chính của nhà đầu tư là cần thiết. Nếu không điều chỉnh kịp thời làm vỡ phương án tài chính thì các nhà đầu tư cũng thiệt hại, ảnh hưởng đến chủ trương chung của Chính phủ về vấn đề thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông”, ông Quyền nói.
Ông Quyền cũng cho hay Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam ủng hộ việc xem xét tăng phí của Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Việc tăng phí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, nhưng thời điểm này cũng phù hợp vì giá xăng dầu cũng vừa giảm, nên chưa thấy có doanh nghiệp nào phản ánh việc tăng phí.
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và các doanh nghiệp về điều chỉnh giá vé tại 44 dự án BOT. Thời gian điều chỉnh dự kiến từ 29.12 tới.
Dưới đây là lộ trình các trạm thu phí dự kiến điều chỉnh giá và mức giá điều chỉnh: