Phải có “tổng công trình sư” cho cả dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi kiểm tra tiến độ thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và làm việc với chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương, chiều 16/10.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Những nhà thầu không đủ năng lực, tư vấn giám sát kỹ thuật buông lỏng, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công phải được xử lý nghiêm – Ảnh: VGP
|
Phó Thủ tướng nhấn mạnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình thế kỷ, có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu rất cao về chất lượng, công nghệ. Đề nghị chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương báo cáo đầy đủ tiến độ thực hiện dự án từ giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, thiết kế tổ chức thi công các gói thầu quan trọng…, đặc biệt là năng lực quản lý, điều phối, vận hành một cách tổng thể, liên thông giữa các dự án thành phần của Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng như các dự án liên quan.
“Đây là giai đoạn rất quan trọng khi nhiều dự án thành phần của Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai đồng loạt, vì vậy, phải có “tổng công trình sư” chịu trách nhiệm xác định tiến độ tổng thể cũng như kết nối, phối hợp giữa các dự án, hạng mục thành phần”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, cơ quan tư vấn, giám sát rà soát, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại có thể gây rủi ro, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của công trình (như thiên tai, thời tiết, máy móc, thiết bị, thiếu kết nối, phối hợp nhịp nhàng) để có phương án dự phòng chủ động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về gói thầu thi công, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác – Ảnh: VGP
|
Theo Báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đến nay các hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn và hệ thống giao thông kết nối đã được lần lượt khởi công trong tháng 7 và tháng 8/2023. Hiện, các nhà thầu đang khẩn trương huy động, tập kết máy móc, nhân lực theo bảng tiến độ thi công chi tiết.
Toàn bộ công trường có hơn 2,000 cán bộ, chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc để tập trung thi công 4 gói thầu chính: San nền thoát nước; nhà ga hành khách; khu bay đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ máy bay; giao thông kết nối.
Các công tác phụ trợ như xây dựng nhà điều hành công trường, phòng thí nghiệm, khu tập kết nguyên vật liệu, lắp đặt cẩu tháp… chuẩn bị máy móc thiết bị và các khâu thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng biện pháp tổ chức thi công chi tiết từng cấu kiện, từng hạng mục được triển khai khẩn trương, với tinh thần “bản vẽ đến đâu thi công đến đấy”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý các đơn vị tư vấn, giám sát cần chịu trách nhiệm như nhà thầu thi công, báo cáo ban quản lý dự án, chủ đầu tư những sự cố, vấn đề phát sinh để xử lý kịp thời – Ảnh: VGP
|
ACV đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu hạng mục nhà ga bố trí linh hoạt theo phương án thi công trong mùa mưa, tập trung huy động máy móc để chuẩn bị đợt thi công cao điểm khi mùa mưa kết thúc vào tháng 11/2023.
Bên cạnh đó, ACV vẫn tiếp tục tăng cường năng lực cho Ban Quản lý dự án, thuê các chuyên gia của nhiều tư vấn hàng đầu về sân bay như NACO, TUNER, Artelia, Hill international, Misa…
Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Tổng Giám đốc ACV cho biết, đến nay hợp đồng các gói thầu đều bảo đảm về tính pháp lý, bảng tiến độ tổng thể đã được lập, không gian thi công giữa các dự án, hạng mục thành phần được điều phối phù hợp, không gây xung đột …
ACV kiến nghị các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành khẩn trương bàn giao dứt điểm mặt bằng cho 2 tuyến đường công vụ chính phục vụ dự án, nhất là tuyến số 2 mới đạt 28%, tránh tình trạng “xôi đỗ”; sớm triển khai Dự án mở rộng đường cao tốc kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TPHCM.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT đã trao đổi cụ thể, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp để xử lý một số vấn đề liên quan đến chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng toàn dự án, nhất là tuyến đường số 2 phục vụ dự án; tình trạng chậm triển khai dự án thành phần 1 (các công trình, trụ sở cơ quan Nhà nước), dự án thành phần 4 (khu bảo trì máy bay, khu suất ăn, khu bảo trì phương tiện mặt đất, trung tâm điều hành của các hãng hàng không)…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân hết sức quan tâm, kỳ vọng đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng về mặt phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, biểu tượng khẳng định sự vươn lên của Việt Nam, một bước tiến trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không, cũng như năng lực, trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật thi công, xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại.
Đến nay, chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản khắc phục các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bàn giao mặt bằng thi công, đường công vụ, bảo đảm điều kiện pháp lý cho các gói thầu, xây dựng tổng sơ đồ tiến độ, cơ chế phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và tư vấn giám sát, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai các dự án, hạng mục quan trọng…
“Tổng sơ đồ tiến độ không chỉ có ý nghĩa kỹ thuật mà cả tính pháp lý bởi một dự án, hạng mục thành phần bị chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án. Những nhà thầu, tư vấn giám sát kỹ thuật yếu kém, không đủ năng lực, buông lỏng, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công phải được xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu Bộ GTVT, chủ đầu tư, các bộ, ngành hoàn thành ngay kế hoạch thực hiện cả dự án một cách khoa học, gắn với mục tiêu tiến độ, cam kết với Quốc hội, Chính phủ.
Đối với dự án thành phần 3 (xây dựng các công trình thiết yếu), Phó Thủ tướng yêu cầu ACV tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý dự án bao gồm xây dựng sơ đồ tiến độ tổng thể về không gian và thời gian kèm theo công cụ; tăng cường trách nhiệm của tư vấn giám sát kỹ thuật, áp dụng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý hiện đại; kịp thời giải quyết các xung đột trong quá trình thi công dự án, hạng mục thành phần…
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến và giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, uy tín để thực hiện dự án thành phần 4 (khu bảo trì máy bay, khu suất ăn, khu bảo trì phương tiện mặt đất, trung tâm điều hành của các hãng hàng không); đẩy nhanh việc thực hiện dự án thành phần 1 (các công trình, trụ sở cơ quan Nhà nước); kiểm tra, nghiệm thu chất lượng tại công trường; bảo đảm yêu cầu phòng, chống cháy, nổ chặt chẽ, nghiêm minh theo tiêu chuẩn cao nhất; đánh giá tác động ô nhiễm môi trường…
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát động và kêu gọi cơ quan quản lý Nhà nước, nhà thầu, tư vấn giám sát thi đua xây dựng phương án bảo đảm tiến độ, hợp tác nhịp nhàng, hiệu quả, an toàn trong thi công, thực hiện nghiêm minh trong giám sát, tư vấn, kiểm tra để bảo đảm chất lượng công trình.
Hàn Đông