Đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng 8/2023.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp, tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng với tốc độ khá, tiếp tục củng cố xu hướng tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm. Trước đó, tín dụng tháng 8/2023 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có mức phục hồi mạnh khi tăng trưởng gần 1%.
Việc tín dụng tăng trưởng liên tục phản ánh xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời phản ánh tác động và hiệu quả của chính sách tiền tệ tín dụng, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố trong suốt thời gian qua.
Ngoài ra, việc ổn định kinh tế vĩ mô và chuyển biến tích cực từ tăng trưởng kinh tế nói chung và thành phố nói riêng, với một số nhóm ngành lĩnh vực sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu và đầu tư tăng trưởng, tiếp tục là yếu tố môi trường kinh tế thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Trong đó, những tín hiệu tích cực từ các đơn hàng được ký kết tăng, lao động và việc làm cải thiện, nhu cầu lao động tăng và đặc biệt là tính thời vụ trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và du lịch của dịp Tết cổ truyền đang bắt đầu… có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế và trực tiếp đến hoạt động tín dụng ngân hàng theo hướng tăng trưởng nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Đáng chú ý, một số chương trình tín dụng và các gói tín dụng ưu đãi đã bắt đầu phát huy hiệu quả như thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chương trình kích cầu đầu tư của UBND thành phố…
Đầu tháng 10/2023, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2023 do Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho thấy, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý III/2023 là “cải thiện” đạt mức thấp hơn so với quý II/2023 và thấp hơn mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn trong quý IV/2023 do kỳ vọng tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi; trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý IV/2023 và tăng 12,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,2 điểm cơ bản so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.