Rầm rộ giảm giá ô tô
Chưa bao giờ cuộc đua “đại hạ giá” ô tô tại Việt Nam lại diễn ra rầm rộ như những tháng gần đây. Thông tin về các chương trình ưu đãi, tặng quà, hỗ trợ lệ phí trước bạ, giảm lãi suất vay, thậm chí giảm thẳng vào giá bán… được các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô tại Việt Nam đăng tải tràn ngập trên các trang thông tin, mạng xã hội và cả trang cá nhân của nhân viên tư vấn bán hàng.
Đáng chú ý, mức giảm giá, ưu đãi… được các nhà sản xuất, đại lý phân phối áp dụng cho nhiều mẫu mã trên thị trường liên tục gia tăng qua từng tháng, với hy vọng có thể tạo sự hấp dẫn, kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người Việt.
Chẳng phải vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn những mẫu sedan như Nissan Almera, Honda City, MG5, Honda Civic, Mitsubishi Attrage… được nhiều đại lý tăng mức hỗ trợ lệ phí trước bạ từ 50% lên 100%. Các mẫu xe hút khách như Mitsubishi Xpander, Toyota Corolla Cross, Hyundai Creta, Mazda CX-5… giảm giá hàng chục triệu đồng. Thậm chí, để xả hàng tồn kho nhiều mẫu xe như Subaru Forester, Honda CR-V, Hyundai Santa Fe, Mitsubishi Pajero Sport, Volkswagen Tiguan, Mazda CX-8… còn được đại lý “đại hạ giá”, mức giảm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Với các chương trình giảm giá rầm rộ của các đơn vị phân phối ô tô, nhiều người cho rằng đây là một trong những thời điểm thích hợp để mua sắm ô tô. Bởi trong vòng 3 năm trở lại đây, chưa bao giờ giá bán nhiều mẫu ô tô tại Việt Nam lại giảm sâu, giảm mạnh như những tháng qua.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là kỳ vọng, nhận định… còn kết quả bán hàng trong những tháng qua lại cho thấy thực tế hoàn toàn trái ngược.
Ô tô năm 2022: Doanh số kỷ lục, Toyota và Hyundai lại “đua song mã”
Ô tô đại hạ giá, khách hàng vẫn thờ ơ
Những gì diễn ra những năm trước đây cho thấy, khi ô tô giảm giá doanh số bán xe sẽ phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, điều này dường như không còn đúng với thị trường ô tô Việt Nam trong những tháng qua.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô đang trải qua giai đoạn khó khăn, lạm phát có xu hướng gia tăng khiến đại bộ phận người dân thắt chặt chi tiêu… ô tô “đại hạ giá” bán “xả hàng” vẫn khó thu hút được khách hàng mua xe. Điều này phần nào được thể hiện qua doanh số bán hàng những tháng gần đây của các hãng xe đang kinh doanh tại Việt Nam.
Cụ thể, vào tháng 4.2023 khi hàng loạt mẫu mã ô tô “lao” vào cuộc đua giảm giá, kết quả từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô giảm giảm 25% so với tháng 3.2023. Bước sang tháng 5.2023 cuộc đua giảm giá diễn ra rầm rộ hơn, sức mua lại tiếp đà lao dốc.
Theo kết quả bán hàng mới nhất vừa được VAMA công bố, trong tháng 5.2022, tổng doanh số bán ô tô của các thành viên thuộc VAMA chỉ đạt 20.726 xe, giảm 1.683 xe tương đương 8% so với tháng 4.2023. Tính cả lượng xe VinFast, Hyundai bán ra, tổng lượng ô tô mới tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 5.2023 cũng chỉ đạt 27.297 xe, giảm hơn 3.500 xe tương đương 11,2% so với tháng 4.2023.
Giám đốc bán hàng một đại lý Hyundai tại TP.HCM
Chờ “cú hích” từ chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ
Trước những khó khăn các nhà sản xuất, lắp ráp, kinh doanh ô tô tại Việt Nam đang đối mặt, sau một thời gian được đưa ra lấy ý kiến, mới đây đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước đã được Chính phủ đồng thuận và có văn bản chỉ đạo gửi Bộ Tài chính cũng như Bộ trưởng Tư pháp về vấn đề này.
Nhiều khả năng, Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% sẽ được ban hành từ tháng 7.2023 và kéo dài đến hết năm 2023.
Chính sách này được xem là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong giai đoạn khó khăn, đồng thời tạo động lực để kích cầu cho thị trường ô tô. Nếu được ban hành, đây sẽ là lần thứ 3 chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được áp dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước một lần nữa được áp dụng, khó có thể mang lại tác động, hiệu quả như hai lần được ban hành trước đây. Bởi thực tế, những tháng qua, không ít nhà sản xuất, đại lý ô tô cũng giảm giá theo hình thức hỗ trợ 50% thậm chí 100% lệ phí trước bạ cho nhiều mẫu mã ô tô nhưng sức mua vẫn không được cải thiện.
Dù vậy, việc Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước trong thời gian tới sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, sản xuất, lắp ráp ô tô giảm bớt áp lực, sau khi đã “gồng mình” chịu lỗ để giảm giá, xả hàng nhằm vớt vát doanh số.