Sức mạnh kiến tạo của khối tư nhân
– Tại lễ bàn giao mặt bằng Trung tâm Triển lãm Việt Nam để chuẩn bị cho Triển lãm thành tựu kinh tế xã hội nhân 80 năm Quốc khánh cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính khẳng định, Vingroup đã thi công công trình thần tốc, vượt tiến độ đề ra. Với bà, câu chuyện này nói lên điều gì?
Thực sự là tôi rất kinh ngạc! Với quy mô dự án như vậy mà hoàn thành chỉ trong 10 tháng thì chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh vài năm gần đây các doanh nghiệp gặp nhiều rất khó khăn. Việc Vingroup không chỉ làm được, mà thậm chí còn vượt cả kỳ vọng cũng là một minh chứng cho sức mạnh kiến tạo của khối tư nhân Việt.
– Đây không phải lần đầu tiên Vingroup ghi dấu ấn về sự thần tốc. Bà đánh giá thế nào về năng lực triển khai dự án, quản trị và đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp này?
Vingroup đã khẳng định được vị thế là một doanh nghiệp có khả năng thực thi vượt trội, bảo chứng cho tiến độ lẫn chất lượng công trình. Ngay cả các khu đô thị, các tuyến đường nội đô, tốc độ và chuẩn mực xây dựng của Vingroup cũng luôn rất cao.
Trường hợp VinFast lại càng đặc biệt. Từ con số 0, Vingroup chỉ mất 21 tháng để hoàn thiện nhà máy và có sản phẩm – nhanh hơn nhiều so với mức 36 – 60 tháng của các hãng toàn cầu. Trong khi, sản xuất ô tô là lĩnh vực hoàn toàn mới, không chỉ với riêng Vingroup mà với cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực, và là ngành đòi hỏi phức tạp từ công nghệ, thiết bị, nhân sự đến quản trị. Vingroup đã cho thấy năng lực học hỏi cái mới, tiếp thu công nghệ, thu hút người tài, làm chủ quy trình một cách hiệu quả và từ đó tạo nên thành quả đầy ấn tượng.
Với Trung tâm Triển lãm Việt Nam lần này, “mã gen” đó của Vingroup một lần nữa lại được phát huy. Tôi cũng kỳ vọng, đây là một công trình không chỉ có quy mô lớn, tốc độ nhanh, mà còn đạt chuẩn quốc tế về chất lượng, thiết kế, thẩm mỹ và công năng.

– Theo bà, đâu là lợi thế khiến một doanh nghiệp tư nhân như Vingroup có thể tạo nên những kỳ tích như vậy?
Khác biệt đầu tiên nằm ở cơ chế vận hành. Doanh nghiệp tư nhân có sự chủ động, linh hoạt và động lực rõ ràng. Họ hiểu rằng thời gian là tiền bạc, càng kéo dài càng tăng chi phí vốn, chậm nguồn thu, tăng rủi ro do những biến động bất thường không kiểm soát được, ảnh hưởng tới bài toán kinh doanh và hiệu quả đầu tư. Vì vậy, tư nhân có động lực rất mạnh để tính toán kỹ lưỡng từ đầu và tối ưu từng khâu nhằm đạt tiến độ nhanh nhất.
Về quản trị, doanh nghiệp tư nhân có thể kiểm soát chặt chẽ hơn, phối hợp linh hoạt với các nhà thầu do họ tự chọn để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên về mọi mặt, đảm bảo tính đồng bộ cả về quy chuẩn, chất lượng và tiến độ của dự án. Những đối tác làm việc với Vingroup đều thừa nhận họ trưởng thành lên nhiều sau các dự án.
Bên cạnh đó là yếu tố con người. Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, nhất là những tập đoàn lớn, có tầm nhìn vượt trội cùng khả năng huy động và phân bổ các nguồn lực, cả nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác, một cách tối đa và tối ưu theo nhu cầu thực tế. Đó là điều mà khối doanh nghiệp nhà nước, trong một só trường hợp,khó làm do hạn chế về quyền chủ động.
Và cuối cùng là kỷ luật. Nếu doanh nghiệp tư nhân chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém thì sẽ lập tức chịu thiệt hại cả về tiền bạc lẫn uy tín và cơ hội phát triển lâu dài.
Đặt niềm tin vào tư nhân – Lời giải mới cho bài toán hạ tầng chiến lược
– Từ “kỳ tích Cổ Loa”, bà nghĩ thế nào về vai trò của khối tư nhân trong các dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, theo tinh thần Nghị quyết 68?
Nghị quyết 68 là một bước tiến lớn khi khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các “sếu đầu đàn”, trong phát triển hạ tầng. Việc Thủ tướng trực tiếp mời các doanh nghiệp tư nhân lớn để họp bàn về những dự án hạ tầng quan trọng ngay sau khi Nghị quyết được ban hành cho thấy quyết tâm thay đổi cách tiếp cận.
Trước đây, nhiều dự án trọng điểm thường mặc định dành cho doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài vì tư duy và định kiến cho rằng “tư nhân chưa đủ sức làm” hoặc “chưa sẵn sàng làm”. Nhưng thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp tư nhân lớn không chỉ đủ sức làm, mà còn có thể huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội để cùng làm tốt hơn. Những thay đổi trong bộ mặt các đô thị lớn ở nước ta cùng một số công trình hạ tầng, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, một số lĩnh vực công nghệ cao do doanh nghiệp tư nhân Việt chủ động đầu tư trong những năm gần đây là minh chứng rất rõ cho sự trưởng thành và sức mạnh của khối tư nhân Việt.
Nghị quyết 68 đã nhìn nhận và đặt vấn đề khác hẳn. Điều tôi chờ đợi là Nhà nước không chỉ khuyến khích, mà tới đây có những dự án rất lớn, đòi hỏi tính đa ngành cùng các công nghệ ở tầm cao, Nhà nước sẽ tin tưởng, mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân đủ uy tín và năng lực triển khai.
Tư nhân vào cuộc mạnh mẽ sẽ không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực công mà còn giúp phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp liên quan, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực toàn hệ thống. Các doanh nghiệp lớn nhỏ trong các lĩnh vực khác nhau sẽ có cơ hội liên kết, cùng nhau đi lên. Đó là cách giúp Việt Nam tiến nhanh hơn và bền vững hơn trong dài hạn.
– Có ý kiến lo ngại nếu giao các dự án quan trọng cho tư nhân thì Nhà nước có thể mất đi vai trò. Quan điểm của bà thế nào?
Tôi cho rằng quan điểm này chưa đúng. Giao cho tư nhân làm không có nghĩa là Nhà nước “buông vai trò”. Ngược lại, đó là lúc Nhà nước thể hiện rõ vai trò định hướng và điều phối của “người dẫn dắt sự phát triển” – giống như ở các nền kinh tế thị trường phát triển hay ở ngay các nền kinh tế mới nổi xung quanh ta.
Nhà nước kiến tạo của ta nên tập trung vào xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển quốc gia, hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, đặc biệt là môi trường cạnh tranh, giám sát và tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế phát triển đúng hướng, đúng luật. Trong đó, khu vực tư nhân – động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta – sẽ là lực lượng trực tiếp triển khai, với hiệu quả cao hơn nhờ năng lực và sự linh hoạt của họ.
Tư nhân càng làm nhiều, làm tốt, đất nước càng mạnh. Trong khi đó, Nhà nước có thể tiết kiệm nguồn lực để tập trung vào những lĩnh vực cần đầu tư công khác – như an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, vùng sâu vùng xa… Đồng thời, khi hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, đất nước sẽ có nội lực đủ mạnh để chống chịu những cú sốc từ bên ngoài và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Mấy thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế ở nước ta phụ thuộc rất lớn vào FDI và xuất khẩu, mà hơn 70% xuất khẩu cũng do FDI làm. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy và không thể phụ thuộc mãi vào nguồn lực bên ngoài. Muốn tự chủ, phải phát huy sức mạnh từ bên trong, phải tự lực, tự cường. Trong đó, một điều không cần bàn cãi nữa: khu vực tư nhân là trụ cột quan trọng.
– Xin cảm ơn bà!
Đức Nam (thực hiện)