Theo nhận định của Bộ Công Thương, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD, nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn.
THỊ TRƯỜNG HẸP
Tại toạ đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí” ngày 9/12, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, đánh giá những năm qua, với việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển của doanh nghiệp gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế, cùng với sự cố gắng của nội tại các doanh nghiệp trong thiết kế, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường cơ khí trong nước đã có những chuyển biến rất tốt về cả lượng và chất.
Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, từ trước đến nay, các dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy hầu hết là do các đơn vị nước ngoài đảm nhận, ví dụ những đơn vị như Honda, Toyota, Huyndai… Nhưng từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã cử một đoàn kỹ sư đi học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đơn vị của Nhật Bản, Hàn Quốc và đến thời điểm này ngành cơ khí trong nước đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô.
Điển hình doanh nghiệp cơ khí trong nước đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinfast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3,…
Hay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới ngành cơ khí cũng đã thành công trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời. Dự án đầu tiên là dự án điện mặt trời Đa Mi với công suất là 47,5 MW, tiếp đến là dự án Tầm Bó và Gia Hoét.
Hoặc trong lĩnh vực các nhà máy tự động hóa quá trình sản xuất, doanh nghiệp cơ khí cũng ứng dụng cải tiến và lắp ráp toàn bộ hệ thống tự động hóa bao gồm từ khâu sản xuất đến khâu bốc dỡ, vận chuyển hàng cho Công ty CP Bột giặt Lix thuộc Tập đoàn Hóa chất… giúp nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm rủi ro trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh những thành công trên, ông Phong thẳng thắn cho rằng việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu vẫn đang còn rất khiêm tốn, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ, như: các nhà máy về nhiệt điện, thuỷ điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu,… chúng ta mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.
Nguyên nhân theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cơ khí là do chúng ta chưa có đủ, chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói.
Ví dụ như trong lĩnh vực đường sắt đô thị hiện nay, hoặc trong lĩnh vực các nhà máy điện khí, doanh nghiệp chưa có đủ năng lực để làm tổng thầu hoặc làm trọn gói. “Doanh nghiệp nước ngoài làm chủ phần này, họ sẽ đi thuê lại các nhà thầu, có thể là nước ngoài hoặc các nhà thầu phụ trong chuỗi của họ hoặc các nhà thầu phụ tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta sẽ rất bị động trong phát triển các thiết bị phụ trợ”, ông Phong nhấn mạnh.
CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TỔNG THỂ
Để thúc đẩy các doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, ông Phong cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Nghiên cứu kỹ thị trường đích, về cơ chế chính sách của thị trường đó, đặc biệt là cơ chế chính sách đã được 2 bên ký kết trong các FTA.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương tổ chức hàng năm, từ đó có kế hoạch, đưa catalogue sản phẩm của mình để quảng bá, giới thiệu đến các khách hàng.
Bên cạnh đó, tìm hiểu các thông tin của một số doanh nghiệp đã thành công ở thị trường đó để lấy đó làm kinh nghiệm khi vào thị trường mới và tránh được rủi ro.
Về nội tại các doanh nghiệp, ông Phong kiến nghị cần đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực, trang thiết bị, công nghệ để khi có sản phẩm cần phải thay đổi khi đó doanh nghiệp đã có sẵn có thể thay đổi ngay mà không bị động đối với các đối tác nước ngoài.
Đồng thời, dây chuyền sản xuất cũng cần hiện đại hoá, đầu tư tốt hơn… như vậy giá thành mới cạnh tranh, chất lượng đảm bảo, tạo ra được sự bền vững cho sản phẩm của mình trong chuỗi sản phẩm toàn cầu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cao Văn Hùng, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Smart Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp muốn trở thành những con “sếu đầu đàn” thì cần nguồn lực rất lớn, cần đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển), chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề đi gia công cho đối tác nước ngoài.
“Chúng ta cần có những thương hiệu riêng, những dòng sản phẩm và thế mạnh riêng để tạo sức bật, tạo ra những doanh nghiệp lớn để kéo những doanh nghiệp nhỏ hơn đi theo. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của các Bộ, ban ngành và Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí về nguồn nhân lực, có chính sách hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại đầu tư mở rộng thị trường…”, ông Hùng đề xuất.