* Xin chúc mừng ông với vai trò mới là tân Tổng giám đốc Bamboo Airways. Tiếp quản Bamboo Airways trong giai đoạn ngành hàng không nói chung và công ty nói riêng vẫn phải đối diện nhiều thách thức, động lực nào đã thúc đẩy ông?
Ông Nguyễn Minh Hải: Tôi đã có một thời gian dài công tác trong ngành hàng không và cũng từng điều hành một hãng hàng không trước khi tạm dừng để tập trung cho công việc cá nhân. Do đó, khi tiếp nhận vị trí này, cảm xúc của tôi như một phi công lâu năm được quay lại buồng lái, cất cánh bay lên bầu trời.
Khủng hoảng là điều có thể xảy ra với bất kỳ ngành nghề nào, đặc biệt là trong bối cảnh hậu Covid-19. Tuy nhiên, ở Việt Nam và châu Á, hàng không vẫn là ngành có tốc độ phục hồi và phát triển nhanh, mạnh mẽ. Thành quả của các hãng nội địa trong thời gian vừa qua đã minh chứng cho điều này.
Đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, cũng là động lực mang tính quyết định với tôi, chính là quá trình thảo luận với nhà đầu tư và HĐQT khiến tôi tin tưởng rằng Bamboo Airways là môi trường phù hợp để tôi gắn bó và cống hiến.
* Ông đánh giá thế nào về những khó khăn mà các hãng hàng không Việt Nam nói chung và Bamboo Airways nói riêng đang phải đối mặt?
Theo tôi, ngành hàng không Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với 3 khó khăn chính.
Thứ nhất là giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của các hãng.
Thứ hai là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua như chúng ta đều đã biết. Trong tương lai, không ai có thể đảm bảo sẽ không tiếp tục diễn ra những dịch bệnh tương tự.
Thứ ba là sự hạn chế nguồn lực của các sân bay, cụ thể là vấn đề thiếu hụt slot bay (khung giờ cất hạ/cánh – PV) diễn ra tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, gây khó khăn cho việc gia tăng tần suất bay của các hãng hàng không.
Bên cạnh các khó khăn chung của ngành, Bamboo Airways cũng có những thách thức riêng. Hãng đang trong quá trình hoàn tất chuyển đổi sở hữu từ nhà đầu tư cũ sang nhà đầu tư mới, việc tái cơ cấu tổ chức sẽ cần thời gian.
* Với vai trò “đầu tàu”, ông đề ra những chiến lược như thế nào để đưa Bamboo Airways vượt qua những khó khăn này và đạt được mục tiêu gia tăng thị phần nội địa, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế?
Theo quan điểm của tôi, làm hàng không là phải làm thật, làm đúng và làm nhanh. Làm thật, tức là sản phẩm đưa ra phải thật, đã đề ra phải hiện thực hóa. Làm đúng là thực hiện đúng điều mình đã cam kết. Còn làm nhanh là bởi bản chất của hàng không chính là tốc độ.
Bất cứ hãng hàng không nào trong giai đoạn hiện nay cũng phải tập trung kiểm soát và tối ưu chi phí, chúng tôi cũng vậy. Dịch vụ cũng là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của một hãng hàng không. Đây cũng là một lợi thế của chúng tôi.
Về thị trường, trong kế hoạch phát triển của hãng, cả thị trường nội địa và quốc tế đều có vai trò quan trọng như nhau và bổ trợ lẫn nhau. Bamboo Airways đã đạt được những thành công và dấu ấn nhất định ở thị trường nội địa và sẽ đẩy nhanh phát triển thị trường quốc tế.
* Ông có đề cập đến kiểm soát và tối ưu hóa chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ. Liệu hai điều này có mâu thuẫn nhau hay đâu sẽ là điểm cân bằng, thưa ông?
Nâng cao chất lượng dịch vụ không có nghĩa là phải tăng chi phí, và ngược lại.
Theo quan điểm của tôi, nâng cấp dịch vụ không chỉ đến từ các yếu tố định lượng mà còn đến từ con người. Ví dụ, một phòng chờ thương gia có rất nhiều loại đặc sản, nhưng nhân viên thờ ơ, không chủ động giới thiệu, mời khách thì cũng không có nhiều tác dụng. Trong khi đó, với số lượng hợp lý nhưng kết hợp với thái độ niềm nở, chủ động của nhân viên thì trải nghiệm của khách hàng chắc chắn tốt hơn.
Như vậy, nếu nhìn dưới góc độ này thì thậm chí việc nâng cao chất lượng dịch vụ đôi khi còn góp phần giúp tối ưu hóa chi phí.
* Bamboo Airways bộc lộ tham vọng trở thành thương hiệu châu Á. Đâu là cơ sở cho đích đến này, thưa ông?
Khi nói đến hãng hàng không tầm châu Á, người ta sẽ đánh giá trên các tiêu chí như quy mô khai thác, lượng khách vận chuyển và chất lượng dịch vụ.
Về chất lượng dịch vụ, từ những ngày đầu thành lập và xuyên suốt quá trình hoạt động đến nay, Bamboo Airways vẫn luôn kiên định với mục tiêu dịch vụ chuẩn 5 sao quốc tế và chúng tôi cũng đã, đang và sẽ tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu này.
Giờ đây, sự tham gia đồng hành của nhà đầu tư mới với tiềm lực dồi dào, hệ sinh thái phong phú và đặc biệt là kinh nghiệm quản trị tái cấu trúc thành công nhiều doanh nghiệp đã được chứng minh qua thực tiễn, sẽ giúp Bamboo Airways hiện thực hóa những mục tiêu về quy mô và vươn tầm khu vực.
* Ông có dự cảm gì về sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung trong tương lai?
Xét đến khả năng phục hồi sau dịch, những thị trường châu Mỹ, châu Âu sẽ phục hồi nhanh hơn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do sự khác biệt về thu nhập và khả năng chi trả của hành khách. Thực tế là các hãng hàng không Âu, Mỹ đã bắt đầu có lợi nhuận lại.
Tuy trong ngắn hạn, Việt Nam nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung sẽ khó khăn hơn, nhưng tương lai về phát triển kinh tế sẽ thuộc về khu vực này, nên tương lai ngành hàng không cũng sẽ vô cùng tiềm năng và hứa hẹn.
Tôi kỳ vọng thị trường hàng không Việt Nam sẽ ổn định dần trong năm 2024 và bùng nổ tăng trưởng từ năm 2025 trở đi.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!