Khởi công tuyến cao tốc gần 45,000 tỷ đồng tại ĐBSCL
Sáng 17/06, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1. Đây là cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây, tổng mức đầu tư gần 45,000 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Ảnh: VGP
|
Tuyến đường dài hơn 188 km, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km đi qua tỉnh Sóc Trăng.
Giai đoạn một, dự án làm trước 4 làn, rộng 17 m, cho xe chạy 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – một vùng có truyền thống cách mạng hào hùng, tiềm năng phát triển to lớn nhưng hạ tầng giao thông còn rất hạn chế.
Theo Thủ tướng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.
Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5,000km đường bộ cao tốc”.
“Nhiệm kỳ này, chúng ta huy động khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng giao thông từ nhiều nguồn khác nhau, quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng với tinh thần đã nói là làm, mang lại sản phẩm cụ thể, hiệu quả “cân đong đo đếm được” và đặc biệt là ưu tiên cho vùng ĐBSCL”, Thủ tướng phát biểu
Thủ tướng đề nghị UBND 4 tỉnh có cao tốc đi qua cần tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công hiệu quả, khoa học.
Đồng thời huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND 4 địa phương trên cùng phối hợp với Bộ GTVT tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Đặc biệt, yêu cầu tỉnh An Giang bố trí và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án.
Các tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại để đáp ứng mặt bằng thi công công trình dự án.
Trước mắt, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp; đối với diện tích còn lại của toàn bộ dự án phải hoàn thành bàn giao trước ngày 31/12/2023.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần quan tâm đến công tác bồi thường, tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới tối thiểu phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ; đề nghị bà con nhân dân hết sức ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, sớm bàn giao đất để tạo điều kiện thi công công trình dự án.
Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh: “Việc khởi công dự án là quan trọng, nhưng việc hoàn thành dự án này trong 2 năm tới còn quan trọng hơn nữa.
Các bộ ngành, địa phương, nhân dân, nhà thầu cần chung sức đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, “vượt nắng, thắng mưa” để hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, không đội vốn, không thất thoát vốn, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm người dân có cuộc sống và sinh kế ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.
Theo quy hoạch, đến năm 2050, ĐBSCL có 1,188 km cao tốc, so với tổng số 9,14 km cao tốc của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang; đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.
Đến thời điểm hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 90 km, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458 km. Như vậy, đến năm 2025, vùng ĐBSCL có khoảng 548 km đường bộ cao tốc, trong đó hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc – Nam phía Tây và cơ bản hoàn thành trục ngang cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng khởi công ngày hôm nay.
|
Thế Mạnh