Thị trường ô tô Việt Nam vốn đã ảm đạm từ đầu năm 2023, đến những ngày cuối tháng 6 này lại càng trầm lắng, bất chấp nhiều mẫu mã ô tô vẫn đang được nhà sản xuất, đại lý phân phối tiếp tục tăng mức ưu đãi, giảm giá.
Thông tin về việc chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước đang tác động đến tâm lý mua sắm của không ít khách hàng.
Rảo quanh một số đại lý ô tô tại TP.HCM những ngày gần đây dễ nhận thấy, ô tô mới với nhiều mẫu mã khác nhau vẫn tràn ngập từ khu vực trưng bày, cho đến kho bãi, thậm chí cả khu vực giao xe của các đại lý. Trong bối cảnh sức mua trên thị trường ô tô liên tiếp sụt giảm trong 2 tháng gần nhất và lượng tiêu thụ đang giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái… không ít người cho rằng, các đại lý đang nỗ lực “gồng mình” giảm giá, “gánh” hàng tồn kho, bởi nhiều tháng qua ô tô “đại hạ giá” vẫn bán chậm.
Ô tô năm 2022: Doanh số kỷ lục, Toyota và Hyundai lại “đua song mã”
Tuy nhiên, tại một đại lý Ford khu vực TP.Thủ Đức, nhiều xe nằm kho hay tập kết ở các khu vực giao xe cho khách thực chất đã có chủ. Một nhân viên bán hàng tại đại lý cho biết: “Khoảng một tuần trở lại đây, lượng khách hỏi mua xe có gia tăng so với những tháng trước. Một số khách sau khi tìm hiểu, thỏa thuận với chúng tôi đã đồng ý xuống tiền nhưng chỉ đặt cọc và chưa chịu nhận xe”.
Được biết, khác với thời điểm ô tô khan hàng, đội giá như năm ngoái, hiện tại hầu hết các đại lý đều có sẵn xe để giao, đặc biệt với các mẫu ô tô lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, thông tin về việc Chính phủ sắp ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước đang khiến nhiều khách hàng toan tính để được nhận ưu đãi kép.
Đơn cử như trường hợp của anh Quốc Khánh ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM dù đã cơ bản đồng ý, thậm chí trả trước 70% cho một đại lý Ford gần nhà để mua chiếc Ford Ranger phiên bản XLS 2 cầu số tự động có giá niêm yết 776 triệu đồng nhưng phải sang tháng 7.2023 anh Khánh mới dự định nhận xe.
Theo anh Khánh: “Ford Ranger là xe lắp ráp trong nước, hiện đại lý đang có chính sách giảm giá khoảng 30 triệu đồng và có xe giao ngay, nhưng tôi dự định chờ sang tháng 7.2023 nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước tiếp tục được áp dụng mới ký hợp đồng mua bán, nhận xe để được hưởng ưu đãi về lệ phí trước bạ”.
Trường hợp mua ô tô nhưng “không chịu” nhận xe liền tay như anh Khánh không phải hiếm ở thời điểm này. Tại một số đại lý khác thuộc các thương hiệu như Mazda, Kia, Toyota, Hyundai… cũng đang gặp tình trạng khách đồng ý mua ô tô “nội” nhưng chưa nhận xe để chờ được giảm lệ phí trước bạ.
Trưởng bộ phận bán hàng một đại lý Hyundai tại TP.HCM cho biết: “Đây là thời điểm thích hợp để khách hàng đặt mua xe. Một số khách của đại lý đã chốt xe và đặt trước một số tiền theo thoả thuận giữa đại lý và khách hàng nhưng khách chưa lấy xe, đại lý cũng chưa xuất hóa đơn. Chờ đến khi áp dụng mức thuế trước bạ mới, khách hàng sẽ trả phần tiền còn lại, đại lý xuất hóa đơn sau đó mang xe đi đăng ký. Như vậy, khách hàng vừa được hưởng lợi từ chương trình giảm giá của đại lý lại vừa được giảm số tiền đóng lệ phí trước bạ”.
Hiện tại, sau thời gian được đưa ra thảo luận lấy ý kiến, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ của các doanh nghiệp thuộc VAMA cũng như UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam… đã được Chính phủ đồng thuận và đang trong giai đoạn chờ ban hành Nghị định. Dự kiến, Nghị định liên quan đến việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây. Đây sẽ là lần thứ 3 trong 3 năm trở lại đây chính sách này được áp dụng để tạo động lực vực dậy thị trường ô tô Việt Nam.
Nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được thông qua, theo tính toán của các nhà phân phối ô tô, số tiền lệ phí trước bạ mà người mua ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước phải đóng sẽ giảm hàng chục triệu đồng.
Có thể thấy, dù chưa được ban hành nhưng thông tin về việc ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước một lần nữa giảm lệ phí trước bạ đang tạo nên những tín hiệu tích cực trên thị trường ô tô.