Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 9-2024 tăng 5,83% so với cuối năm ngoái. Con số này còn xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%. Tuy nhiên, riêng chương trình kết nối NH và doanh nghiệp (DN) ở TP HCM lại giải ngân rất tích cực.
Nắm bắt, gỡ khó kịp thời
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho hay ngay từ đầu năm 2024, đã có 17 NH trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình kết nối NH – DN với tổng số tiền hơn 509.800 tỉ đồng. Đến nay, con số giải ngân đã đạt hơn 425.600 tỉ đồng, bằng 83,4% quy mô gói hỗ trợ đã cam kết hồi đầu năm.
“Tốc độ giải ngân khả quan đã trực tiếp hỗ trợ DN về vốn và lãi suất để tăng trưởng và phát triển sản xuất – kinh doanh. Kết quả này tiếp tục phản ánh tính thiết thực và hiệu quả của chương trình, với số lượng DN được tiếp cận và được hỗ trợ là con số cụ thể, đang hoạt động hiệu quả tại các địa bàn” – ông Lệnh nhận xét.
Từ nhiều năm qua, chương trình kết nối NH – DN đã được triển khai đầu tiên tại TP HCM, sau đó lan tỏa ra cả nước, góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phục hồi kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm nay, theo ghi nhận, một loạt NH thương mại đã tích cực triển khai chương trình kết nối, đẩy mạnh vốn ra thị trường như ACB, Agribank, BIDV, Sacombank…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết vốn luôn là điều kiện tiên quyết mà DN cần bảo đảm trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Chương trình kết nối NH – DN đã cho thấy đây là kênh tiếp vốn quan trọng, hiệu quả, giúp các DN tiếp cận vốn vay ưu đãi của NH với lãi suất hợp lý nhằm vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất – kinh doanh.
“Chương trình đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với DN của các NH thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả. Với sự nỗ lực của NHNN và các NH thương mại tại TP HCM, các DN đã dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn cần thiết với chi phí thấp” – ông Hòa nhìn nhận.
Doanh nghiệp vẫn cần tiếp sức
Hiện tại, nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố cho thấy niềm tin của DN đã được củng cố, tăng cường với triển vọng tích cực nhưng vẫn cần vun đắp. Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra hụt hơi, vẫn còn khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn vay…
Trước đó, khảo sát của HUBA trong quý II/2024 cũng cho thấy khoảng 16% DN gặp khó khăn vì thiếu vốn sản xuất – kinh doanh. Hệ quả từ hàng loạt khó khăn trong thời gian qua là hầu hết DN đang cạn kiệt dòng tiền. Ngoài yếu tố trầm lắng của hoạt động thương mại, DN chưa thật sự có nhu cầu vay vốn, cùng yêu cầu chặt chẽ của chính sách tín dụng khiến việc vay tín chấp hoặc thế chấp tài sản vẫn gặp khó.
Trong bối cảnh này, NHNN đã nhiều lần yêu cầu ngành NH đẩy mạnh chương trình kết nối với nhiều kênh, nhiều hình thức để khơi thông dòng vốn, tiếp sức cho cộng đồng DN. Ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết thời gian qua, NH đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đồng hành, phát triển bền vững cùng DN, cung ứng vốn phù hợp theo quy mô khách hàng. ACB cũng có những giải pháp phù hợp từng đối tượng khách hàng như DN nhỏ và vừa, giải pháp theo ngành với từng nhóm, phân khúc riêng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của DN.
Tại hội nghị kết nối NH – DN với chủ đề “Khơi thông vốn – Đón cơ hội” tổ chức hôm nay (14-10) ở TP HCM, ACB sẽ triển khai chương trình ưu đãi là gói tín dụng quy mô 5.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5%/năm; lãi suất cho vay dài hạn từ 6,4%/năm. Đối tượng khách hàng vay sẽ được giới thiệu, kết nối từ HUBA. Chương trình tín dụng xanh quy mô 4.000 tỉ đồng khác cũng được ACB triển khai với lãi suất cho vay ngắn và trung – dài hạn từ 5,7%/năm.
Nhiều NH thương mại khác cũng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm tiếp sức cho DN đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh từ nay tới cuối năm. Để gia tăng hiệu quả, khơi thông dòng vốn tín dụng từ chương trình kết nối, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết trong 9 tháng qua, NHNN Chi nhánh TP HCM đã phối hợp với Sở Công Thương, HUBA và UBND các quận, huyện tổ chức 31 hội nghị đối thoại, ký kết cho vay vốn.
Trong đó, đã ký kết cho vay vốn trực tiếp tại hội nghị với tổng số tiền hơn 58.100 tỉ đồng cho 4.495 khách hàng DN và hộ sản xuất – kinh doanh. Thông qua chương trình đối thoại, ngành NH đã phổ biến thông tin chính sách, tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn và dịch vụ NH, với tổng số trên 6.000 lượt DN tham gia.
“Đây là kết quả quan trọng, không chỉ kịp thời nắm bắt khó khăn mà còn hỗ trợ DN tiếp cận cơ chế, chính sách, dịch vụ NH thuận lợi, thực hiện tốt các quy định về sử dụng vốn. Ở góc độ quản lý, hoạt động này của ngành NH góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” – ông Lệnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc tổ chức thực hiện tốt chương trình kết nối NH – DN, gắn với cơ chế, chính sách của NHNN, giải ngân các gói tín dụng ưu đãi cùng với những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế, hoạt động của DN và một số ngành xuất khẩu, du lịch, dịch vụ… là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm. Thống kê của NHNN cho thấy hiện có 30/45 tổ chức tín dụng đăng ký các gói tín dụng mới và giảm lãi suất, dự kiến giảm từ 0,5 – 2 điểm % so với lãi suất cho vay thông thường.
Đẩy vốn vào sản xuất – kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh trong các tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Dòng vốn tín dụng cần tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, với 98% DN ở nước ta là nhỏ và vừa, cần tăng cường bảo lãnh tín dụng cho DN, tạo điều kiện khơi thông dòng vốn tín dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường, như cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng. Ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng NH và trái phiếu DN, nhà nước cần có cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút và bảo đảm vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác, như: quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản.