Theo GizChina, Apple đã được Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ cấp bằng sáng chế mới cho vật liệu “Spatial Composites“. Bằng sáng chế Spatial Composites có nghĩa là Apple đang nghiên cứu một loại vật liệu mới để giữ cho iPhone, iPad và Apple Watch được bảo vệ chống trầy xước tốt hơn trên thân máy.
Công ty muốn đảm bảo người dùng sẽ không cần phải dựa vào vỏ bảo vệ để bảo vệ thiết bị của họ. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi trước đó, bản thân các thiết bị này đã được bao phủ lớp bảo vệ màn hình.
Dựa trên nội dung bằng sáng chế mô tả, Apple sẽ tạo ra một mặt sau chống trầy xước bằng cách sử dụng vật liệu chống mài mòn. Vật liệu này có thể được tích hợp vào khung của iPhone để làm cho nó mạnh mẽ hơn. Những người phát minh ra Spatial Composites bao gồm Christopher Prest, Stephen Lynch và Teodor Dabov. Họ đều là kỹ sư làm việc cho Apple.
Apple giải thích các vật liệu khác nhau được sử dụng trong sản xuất smartphone và khả năng chống trầy xước của nó. Theo công ty, mặc dù nhựa không gây cản trở kết nối vô tuyến trên smartphone nhưng nó không có khả năng chống trầy xước. Mặt khác, kim loại có khả năng chống chịu cao hơn nhưng lại gây nhiễu tín hiệu vô tuyến. Còn gốm tuy cũng có khả năng chống trầy xước và không cản trở kết nối vô tuyến, nhưng lại không bền chắc.
Mô tả về Spatial Composites, bằng sáng chế cho biết nó là sự pha trộn hỗn hợp kim loại và gốm có đặc tính chống trầy xước, độ bền cao và ít gây nhiễu nhất. Công nghệ mới sẽ kết hợp với công nghệ Crystal Shield, vốn được Apple phát triển trước đó nhằm bảo vệ màn hình khỏi trầy xước, giúp nâng cao khả năng chịu đựng của thiết bị. Kết quả là người dùng iPhone giữ được vẻ ngoài của máy hoàn toàn mới sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sử dụng liên tục mà không cần vỏ bảo vệ.
Tuy nhiên, đây chỉ là một bằng sáng chế cấp cho Apple. Trong trường hợp công ty áp dụng vào hoạt động sản xuất iPhone, nó sẽ cần một vài năm nữa, có nghĩa dòng iPhone 15 hoặc thậm chí là iPhone 16 vẫn chưa thể áp dụng Spatial Composites.