iPhone vẫn là mặt hàng xa xỉ
Hai tháng trước, Apple đã khai trương hai cửa hàng đầu tiên ở Ấn Độ – một ở Mumbai, một ở Delhi – trong canh bạc lợi tức cao để bán được nhiều iPhone hơn ở quốc gia này.
Các cửa hàng đang thiết lập kỷ lục bán lẻ và có vẻ như những gì cổ đông của Apple mong đợi đang đi đúng hướng. Nhưng ở những khu vực khác ở Delhi, nơi cư dân thường mua điện thoại, tình hình có vẻ khác.
Chợ Gaffar cách cửa hàng sang trọng của Apple ở New Delhi khoảng một giờ di chuyển. Đây là một trong những trung tâm bán iPhone cũ quy mô lớn của thủ đô, với hàng chục cửa hàng không có sản phẩm gì ngoài iPhone đã qua sử dụng.
Tại một thành phố mà điện thoại có giá bằng một tháng lương, Gaffar đưa ra một sự thật trần trụi đối với Apple: Đối với hầu hết mọi người ở Delhi, iPhone vẫn là mặt hàng xa xỉ.
Cho đến nay, vẻ hào nhoáng của cửa hàng Apple mới ở Delhi dường như không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh ở Gaffar. Như các chủ cửa hàng nói, Apple đơn giản là không thể cạnh tranh với họ về giá.
“Họ chỉ đến thị trường này vì biết rằng những chiếc điện thoại mới ra mắt sẽ lập tức được bán trong vòng 10 đến 15 ngày sau khi ra mắt”, Vijay, một chủ cửa hàng ở Chợ Gaffar nói về sự xuất hiện của Apple tại Ấn Độ.
“Chúng tôi cung cấp cùng một chiếc điện thoại giống như họ, trong tình trạng hoàn toàn mới với mức giá thấp hơn những gì người mua phải trả”.
Ở nhiều quốc gia, Apple bán iPhone tân trang thông qua các kênh bán lẻ của riêng mình, nhưng chính sách thương mại của Ấn Độ gây khó khăn đặc biệt cho công ty.
Kể từ năm 2012, chính phủ Ấn Độ gần như đã chặn nhập khẩu iPhone đã qua sử dụng do lo ngại về rác thải điện tử và sản xuất trong nước.
Theo các báo cáo, Apple đã nhiều lần thúc đẩy việc đảo ngược chính sách trong những năm sau đó, nhưng Ấn Độ vẫn giữ vững lập trường.
Do không có iPhone cũ nào được đưa vào quốc gia này và có rất ít mẫu mới được bán, số lượng điện thoại được tân trang lại là rất hạn chế — và nguồn cung ít ỏi đó luân chuyển đến những thị trường như Gaffar.
Đối thủ sừng sỏ
Trong khi nguồn cung cũ bị hạn chế, nghiên cứu cho thấy iPhone đã qua sử dụng đang ngày càng phổ biến ở thị trường Ấn Độ.
Apple chỉ chiếm chưa đến 5% thị trường điện thoại thông minh ở Ấn Độ vào năm 2022, khiến nước này trở thành một trong số ít quốc gia mà gã khổng lồ công nghệ vẫn còn cơ hội phát triển.
Nhưng thị trường đồ cũ đang tiếp bước nhanh chóng: Năm ngoái, 11% điện thoại thông minh cũ được bán ở Ấn Độ là iPhone, tăng từ 3% vào năm 2021, biến sản phẩm trở thành “thương hiệu tân trang phát triển nhanh nhất ở Ấn Độ”, theo Counterpoint Research.
Dữ liệu khác từ Counterpoint cho thấy Apple đã chứng kiến mức tăng hàng năm là 16% trên thị trường tân trang toàn cầu.
“Ấn Độ là thị trường quan trọng đối với iPhone đã qua sử dụng, nhưng hơn cả Apple, các nhà bán lẻ bên thứ ba mới là những người đang kiếm tiền từ việc bán iPhone đã qua sử dụng”, Tarun Pathak, nhà phân tích tại Counterpoint Research, nói với Rest of World.
“Bất cứ ai phá vỡ nguồn cung cho thương hiệu này trên thị trường thứ cấp chắc chắn sẽ thu được nhiều lợi nhuận nhất”.
Pathak đồng ý rằng Apple là một thương hiệu được khao khát ở Ấn Độ – nhiều người tiêu dùng sẽ cân nhắc mua một mẫu máy đã được tân trang lại thay vì một chiếc iPhone hoàn toàn mới. “Với sự gia tăng về quy trình chất lượng và bảo hành, người mua iPhone tân trang sẽ tăng nhiều hơn trong những năm tới,” ông nói.
Chợ Gaffar cũng cho phép mọi người bán trực tiếp điện thoại cũ của mình cho chủ cửa hàng, bỏ qua những rắc rối trong việc tự tìm kiếm người mua. Khách hàng đang tìm mua cũng có thể đi khắp nơi để nhận được những giao dịch tốt nhất trên hàng trăm cửa hàng.
Chủ cửa hàng Manmeet Singh nói với ROW: “Đi đến bất kỳ khu chợ nào trên khắp Delhi, bảng giá cho mọi sản phẩm đều đến từ chợ Gaffar của chúng tôi”.
“Chúng tôi là doanh nghiệp lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất. Nhiều khi, ngay cả những chiếc điện thoại còn thời hạn bảo hành cũng có mặt ở đây. Khách hàng tin tưởng chúng tôi”.
Với người bán tại đây, hạn chế duy nhất của họ là phụ thuộc vào tiền mặt.
Chủ cửa hàng Sukhbir Singh cho biết: “Ngay cả trong thị trường này, khách hàng cũng thường hỏi liệu họ có thể trả góp được hay không. Chúng tôi sẽ thua lỗ nếu làm như vậy. Về vấn đề đó, các cửa hàng iPhone đang đi trước. Đây là trận chiến duy nhất chúng tôi đang chiến đấu với họ”.