Về mặt pháp lý, hiểu thế nào cho đúng về một doanh nghiệp hoặc hãng hàng không nộp đơn xin phá sản?
Theo quy định tại điều 4 luật Phá sản 2014, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Còn tại điều 5 của luật này, chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán.
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp điều lệ công ty quy định.
Luật Việt Nam không có “bảo hộ phá sản”
Luật Phá sản 2014 của Việt Nam không có khái niệm “bảo hộ phá sản”. Tuy vậy, chương 7 của luật Phá sản có nhiều điểm tương đồng với quy định bảo hộ phá sản của Mỹ. Trong đó, có việc xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát của hội nghị chủ nợ và tòa án.
Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể sử dụng phương án phục hồi kinh doanh thông qua các biện pháp như huy động vốn, giảm nợ, hoãn nợ, tổ chức lại bộ máy, bán, cho thuê tài sản và bất kỳ các biện pháp nào không trái quy định của pháp luật.
Nói cách khác, dưới sự giám sát của tòa án, doanh nghiệp tránh được áp lực trước các chủ nợ, bảo toàn tài sản để kinh doanh và có thêm thời gian để điều chỉnh hoạt động theo hướng tích cực.
Theo luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty luật Bảo Ngọc, luật Phá sản không quy định “bảo hộ phá sản”. “Với doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản mà tòa án xét thấy chưa phải phá sản, thì sẽ đưa ra hội nghị chủ nợ để áp dụng biện pháp phục hồi. Biện pháp phục hồi sẽ được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm, nếu hết giai đoạn này mà doanh nghiệp vẫn không gượng dậy được thì mới phá sản”, ông Bình nói.
Bình luận về thông tin “một hãng hàng không “dự kiến xin phá sản” và xin ý kiến Chính phủ”, theo ông Bình, những động thái này cho thấy doanh nghiệp chưa chính thức nộp hồ sơ xin phá sản, mà mong muốn xin hỗ trợ nhiều hơn.
Theo ông Bình, trong lịch sử hàng không Việt Nam đã có một số hãng hàng không phá sản như Air Mekong. Với tình huống của Air Mekong, hãng bay này ngừng hoạt động và sau đó cũng bị rút giấy phép. Tuy nhiên, khác với tình huống của Air Mekong, hãng hàng không trong tình huống này đang “đưa ra thông điệp mong muốn xin hỗ trợ nếu không sẽ phá sản”.
Tình huống ở đây là nhà nước có chính sách hỗ trợ hay không và nếu có sẽ hỗ trợ ra sao?
Các nước có thủ tục phá sản ra sao?
Cũng theo luật sư Phạm Thanh Bình, việc giải quyết thủ tục phá sản của một doanh nghiệp rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Bản thân ông thụ lý một vụ phá sản của doanh nghiệp từ năm 2017 tới nay nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục. Quy mô doanh nghiệp càng lớn, thủ tục càng phức tạp do phải chứng minh được các khoản nợ, cũng như có mặt của các chủ nợ, những người có liên quan chịu trách nhiệm tại doanh nghiệp với các khoản nợ tại từng thời kỳ…
Thực tế, “nộp đơn phá sản” vẫn được hiểu là doanh nghiệp xin phá sản vì không có khả năng thanh toán được nợ. Song, nhiều vụ việc trên thế giới cho thấy, khi tự nguyện nộp đơn phá sản, các doanh nghiệp được bảo hộ để có cơ hội tái cơ cấu, duy trì hoạt động, thoát khỏi khó khăn.
Tại Mỹ, Hãng hàng không American Airlines hay Tập đoàn GM là những trường hợp tiêu biểu cho việc doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản hoặc bảo hộ phá sản, sau đó đã phục hồi và kinh doanh trở lại.
Tháng 6.2009, hãng xe lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp Mỹ và là một trong những vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất từng có ở nước này.
Trong trường hợp của GM, đơn bảo hộ phá sản của GM sẽ tuân theo chương 11 của luật Phá sản Mỹ. Sau khi kết thúc quá trình phá sản, GM sẽ trở thành một tập đoàn có quy mô nhỏ gọn hơn ban đầu, với chỉ những nhà máy, thương hiệu, nhà phân phối và hợp đồng có khả năng đem lại lợi nhuận mới được phép tồn tại. Tất cả những mảng gây thua lỗ cũng như những nghĩa vụ nợ khác mà GM mất khả năng chi trả sẽ được gạt sang bên.
Chính phủ Mỹ cung cấp tiền cho hãng xe này bù đắp thua lỗ và có vốn cho hoạt động, đổi lại, Chính phủ Mỹ sẽ nhận được 60% cổ phần trong GM mới sau quá trình tái cơ cấu, cộng với lượng nợ và cổ phiếu ưu đãi trị giá 8,8 tỉ USD do GM phát hành. Với các hỗ trợ tương tự, Chính phủ Canada và bang Ontario nắm 11,7% cổ phần GM, Nghiệp đoàn Ô tô nắm 17,5%.
“GM mới” sau đó chỉ có một khoản nợ là 17 tỉ USD, thay vì 54,4 tỉ USD như trước khi xin bảo hộ phá sản. Song, các chủ nợ đã cho GM vay 27 tỉ USD, bao gồm cả các trái chủ của hãng, sẽ phải chịu mất phần lớn số tiền này. Thay vào đó, họ chỉ nhận được 10% cổ phần trong GM mới và có quyền mua thêm 15% cổ phần nữa của hãng.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, cuối năm 2010, GM đã tái cơ cấu và IPO thành công, nhờ đó độc lập tài chính hơn khi cổ phần của Chính phủ Mỹ giảm từ 60% xuống 33%.
Tại Việt Nam, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines từng rơi vào khó khăn và được nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19, song đây là hãng hàng không có cổ phần chi phối của nhà nước.
Tuy nhiên, với các hãng hàng không tư nhân, theo một chuyên gia, nhà nước sẽ không thể tham gia hỗ trợ trực tiếp như từng làm với Vietnam Airlines do vướng rất nhiều quy định liên quan.