Gửi lãi suất 0%, vay trả lãi 6 – 7%/năm
Dẫn đầu trong những vướng mắc, khó khăn mà Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) kiến nghị lên Chính phủ để tháo gỡ, hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp (DN) là lãi vay USD đang ở mức quá cao. Cụ thể theo VASEP, từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng (NH) đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất (LS) vay USD từ 2,1 – 2,8% lên 3 – 3,3% và thậm chí đến 4,5%/năm. Hiện tại, đa phần LS vay USD đang ở mức cao 4,1 – 4,9%/năm, có những DN cao hơn 5%/năm trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất – xuất khẩu thủy sản. LS hiện tại là quá cao, trong khi lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng thu hẹp do kinh tế thế giới suy giảm và cạnh tranh quốc tế khốc liệt.
Đáng chú ý, LS vay USD tăng vọt trong bối cảnh các NH “siết tín dụng”, hạn chế cho vay như chỉ cho vay dưới mức tín dụng được cấp, hay các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Việc này khiến DN càng khó khăn khi chi phí tài chính tăng cao, không chủ động được thu mua nguyên liệu (tôm, cá…) cho nông – ngư dân trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ thế, nếu tính cả các khoản phí như phí chuyển tiền từ nước ngoài về VN (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)… và chênh lệch tỷ giá giữa mua vào và bán ra tại NH thì rõ ràng LS vay ngắn hạn giữa tiền đồng và USD không có gì khác nhau.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhấn mạnh: Nếu Chính phủ không có biện pháp điều chỉnh giảm LS ngay thì sẽ tạo áp lực tài chính rất lớn cho cộng đồng DN, rất khó để khuyến khích DN đầu tư và phát triển. Đồng thời, một số ngành sản xuất vốn là thế mạnh của VN như xuất khẩu thủy sản sẽ phải thu hẹp sản xuất, từ đó nhường thị phần quốc tế cho các đối thủ Indonesia, Ấn Độ, Ecuador… Vì vậy, VASEP kiến nghị điều chỉnh LS vay USD xuống dưới 4%/năm và LS vay tiền đồng xuống dưới 7%/năm để hỗ trợ DN xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính và NH Nhà nước (NHNN) rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn NH với LS phù hợp để tránh việc người dân phải vay vốn LS vô cùng cao từ bên ngoài.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, LS vay USD đã tăng cao từ cuối năm 2022 đến nay. Có thời điểm một số NH đưa ra mức LS cho vay USD lên đến 8,3%/năm. Hiện LS cho vay USD ở mức thấp của các NH dao động từ 5 – 5,5%/năm nhưng phổ biến vẫn còn từ 6 – 7%/năm.
Trong khi những năm trước LS cho vay USD cao nhất cũng chỉ là 3,5%/năm. Với mức LS vay USD hiện tại thì các DN không thể kinh doanh có lợi nhuận đủ để trả lãi vay. Bởi lợi nhuận bình quân trong xuất khẩu như ngành nông sản ở mức thấp, chỉ khoảng 2 – 3%. Nhưng bản thân DN khi có nguồn USD về, nếu gửi lại NH thì LS cũng chỉ 0%.
“Khi lãi vay lên quá cao thì DN sẽ phải giảm quy mô, số lượng xuất khẩu. Mình có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu, không dám vay NH vì lợi nhuận không đủ trả lãi vay. DN giảm hoạt động thì tất nhiên sẽ tác động khiến kinh tế không tăng trưởng. Đây là một cái vòng luẩn quẩn”, ông Thông chia sẻ.
Có “room” để giảm lãi suất cho vay ?
Chênh lệch LS tiền gửi và cho vay đối với USD chưa bao giờ bị đẩy lên đến 6 – 7%/năm như hiện nay. Trong khi đó, LS tiền đồng đã liên tục đi xuống trong 6 tháng đầu năm nay. Theo công bố của NHNN, LS huy động bình quân tại các NH thương mại giảm từ 0,7 – 0,8%/năm và LS cho vay bình quân giảm từ 1 – 1,2%/năm. Dù vậy, mới đây Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN và các NH tiếp tục hạ LS cho vay, điều chỉnh điều kiện cho vay. Trong khi đó, theo các DN xuất khẩu, LS cho vay USD vẫn ở mức cao ngất ngưởng và chưa được các NH điều chỉnh.
Liên quan đến các kiến nghị của VASEP, ngày 11.7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Văn bản số 639/TTg-KTTH chỉ đạo NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị về việc điều chỉnh LS cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8.6.2023; gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho DN ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 1.5.2023… Báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 25.7.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), VN sẽ khó kéo giảm LS cho vay USD khi Mỹ vẫn neo cao LS trong năm nay. Các NH để có nguồn USD cho vay đối với hoạt động xuất nhập khẩu cũng liên quan đến nhiều hoạt động, trong đó có cả việc vay USD từ nước ngoài và giao dịch ngoại hối. Tỷ giá USD/VND tại VN đang khá ổn định cũng đã góp phần hỗ trợ hoạt động của các DN xuất nhập khẩu nói chung. Tuy nhiên, NHNN có thể xem xét khuyến nghị các NH thương mại có chính sách cho vay USD với LS ưu đãi áp dụng cho những DN có nguồn thu USD ổn định và bán lại cho NH. Điều đó sẽ kéo giảm được chi phí tài chính, hỗ trợ DN xuất khẩu trong bối cảnh vẫn gặp khó khi đơn hàng sụt giảm hiện nay.
Đồng quan điểm, Th.S Lê Hoài Ân (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) nhận định nguyên nhân đẩy LS cho vay USD tăng cao lên trên 5%/năm là đi theo LS của các nước, nhất là LS trái phiếu chính phủ Mỹ đã lên hơn 5%/năm, kéo theo LS tiền gửi lẫn cho vay USD tại nước này cũng lên cao. Tuy nhiên, ở VN có nghịch lý là chỉ có LS cho vay USD nhảy vọt, trong khi LS tiền gửi USD lại duy trì ở mức 0%. Đó là “room” để các NH xem xét giảm LS cho vay USD xuống như kiến nghị của các DN. Đồng thời, NHNN xem xét đưa ra các chính sách, gói cho vay vốn bằng USD với LS ưu đãi dành cho những ngành được khuyến khích hỗ trợ như DN xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đây cũng là những đơn vị luôn có nguồn thu USD ổn định, đóng góp vào dự trữ ngoại tệ cho quốc gia. Việc giảm LS tiền đồng, biến động tỷ giá không quá lớn cũng như lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát là “room” để các NH hoàn toàn kéo giảm được LS cho vay USD.