Lãi suất cho vay ngắn hạn 1,2%/năm
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc Bộ KH-ĐT vừa công bố lãi suất (LS) cho vay ngắn hạn là 1,2%/năm, cho vay trung và dài hạn là 4,4%/năm. Trong đó, mức LS cho vay ngắn hạn giảm gần 50% so với LS cho vay của quỹ trước đây. Mức LS mới có hiệu lực từ ngày 4.10. Quyết định nêu rõ đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV đã được ký hợp đồng cho vay gián tiếp trước khi quyết định có hiệu lực, thì tiếp tục áp dụng mức LS cho vay theo hợp đồng đã ký kết.
Theo thông tin công bố, đối tượng DNNVV sẽ được quỹ cho vay gồm hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị và tham gia cụm liên kết ngành. Mức cho vay tối đa 80% tổng vốn đầu tư của dự án; tổng mức cho vay đối với 1 doanh nghiệp (DN) không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ. Như vậy DN phải đảm bảo tối thiểu có 20% vốn tự có tham gia dự án; đáp ứng quy định về đảm bảo tiền vay theo quy định; được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn. Thời gian vay không quá 7 năm và thời gian ân hạn tối đa 2 năm.
Hiện Quỹ Phát triển DNNVV chỉ cho vay gián tiếp thông qua 6 ngân hàng (NH) và DN sẽ nộp hồ sơ đề nghị vay vốn đến các NH này. Đó là NH TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), NH TMCP Quân Đội ( MB), NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và NH TMCP Bắc Á. NH có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn, thẩm định, ra quyết định cho vay đối với DNNVV và gửi hồ sơ đề nghị nhận vốn cho vay gián tiếp tại trụ sở của quỹ hoặc qua đường bưu điện. Quỹ không nhận trực tiếp hồ sơ đề nghị vay vốn của các DN và không thông qua bất cứ tổ chức, cá nhân khác. DN chỉ phải trả nợ gốc và nợ lãi theo đúng mức LS cho vay, không phải trả thêm bất kỳ khoản chi nào khác. Đồng thời, quỹ hướng dẫn, hỗ trợ DN về thủ tục, hồ sơ nhằm tiếp cận gói vay của quỹ hoàn toàn miễn phí thông qua số điện thoại đường dây nóng (hotline) được công bố.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM, cho biết chưa nghe về thông tin của Quỹ Phát triển DNNVV. Nếu được vay với LS ngắn hạn chỉ 1,2%/năm và trung dài hạn chỉ 4,4%/năm thì quá là “tuyệt vời”. Chỉ riêng trong Hội Cơ khí – Điện TP.HCM, khoảng gần 95% là DNNVV, chỉ có vài DN lớn.
“Tôi sẽ nghiên cứu cụ thể quy định, điều kiện để thông báo cho các DN trong hội thử tiếp cận nguồn vốn vay này. Nếu được thì quá mừng cho DN nhỏ. Bởi hiện nay LS cho vay từ các NH thương mại cũng có giảm xuống hơn trước nhưng vay ngắn hạn vẫn có LS dao động từ 7 – 8%/năm, trung và dài hạn có LS 9 – 10%/năm. LS này vẫn còn cao với nhiều DN trong bối cảnh sức tiêu thụ thấp, đơn hàng ít”, ông Tống nói.
Chỉ một số ít DN mới vay được
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho rằng mức LS cho vay từ Quỹ Phát triển DNNVV luôn thấp hơn các NH thương mại từ trước đến nay vì quỹ hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, với vốn điều lệ là 2.000 tỉ đồng do ngân sách nhà nước cấp thì chỉ giới hạn cho vay ở một số đối tượng DN. Số tiền này là quá ít, đặc biệt nếu so với số tiền từ hệ thống NH đưa ra nền kinh tế khoảng 14 – 15 triệu tỉ đồng mỗi năm. Vì vậy, hoạt động của quỹ không có tính lan tỏa cao.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, thông tin giảm LS cho vay ngắn hạn từ Quỹ Phát triển DNNVV là rất tích cực cho các công ty. Bởi các DN khi đến NH vay vốn hiện nay thì LS cũng khó ở dưới 8%. Đặc biệt với các DN khởi nghiệp, nếu có nguồn vốn LS thấp, duy trì ổn định trong suốt thời gian vay thì sẽ giúp họ yên tâm khi mới vừa gia nhập thị trường. Tuy nhiên, hiện quỹ chỉ áp dụng hình thức cho vay gián tiếp thông qua một số NH thương mại khiến cho việc giải ngân sẽ chậm hơn. Vốn là một trong những cố vấn cho quỹ để xây dựng phương án cho vay trực tiếp nên TS Hiếu cho rằng cần phải đẩy nhanh quy định này. Nếu quỹ cho vay trực tiếp thì sẽ chủ động hơn trong xét duyệt hồ sơ cho vay, đẩy nhanh việc giải ngân cho các công ty. Đồng thời công tác tư vấn, hỗ trợ cho DN mạnh mẽ hơn. Bản thân các nhà băng dù đăng ký tham gia cho vay gián tiếp từ quỹ nhưng có thể sẽ không mặn mà trong hoạt động này nên số DN biết cũng hạn chế.
“Theo tôi được biết quỹ chỉ cho vay gián tiếp qua NH vì còn thiếu quy trình, nhân sự về hoạt động cho vay, thẩm định hồ sơ, giải ngân, thu hồi nợ… Dù vậy để thật sự mang tính hỗ trợ cho các DN nhỏ thì phải sớm có hoạt động cho vay trực tiếp từ quỹ. Đồng thời, vốn điều lệ của quỹ cũng cần phải tăng lên ở mức tối thiểu 3.000 tỉ đồng như một NH thương mại. Từ đó số lượng DN được tiếp cận dòng vốn giá rẻ sẽ tăng lên”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.
DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa. Theo hướng dẫn từ Quỹ Phát triển DNNVV, tiêu chí để xác định DN được vay vốn từ quỹ thực hiện theo Nghị định số 80/2021 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của luật Hỗ trợ DNNVV. Cụ thể, DN siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng là đơn vị có từ 10 lao động trở xuống, có vốn hoặc doanh thu từ 3 tỉ đồng trở xuống; riêng DN thương mại dịch vụ thì doanh thu từ 10 tỉ đồng trở xuống hoặc nguồn vốn từ 3 tỉ đồng trở xuống.
DN nhỏ là có dưới 100 lao động, có vốn từ 20 tỉ đồng trở xuống hoặc doanh thu từ 50 tỉ đồng trở xuống; riêng lĩnh vực thương mại dịch vụ thì số lao động từ 50 người trở xuống, vốn từ 50 tỉ đồng trở xuống hoặc doanh thu từ 100 tỉ đồng trở xuống. DN vừa có số lao động từ 200 người trở xuống, doanh thu từ 200 tỉ đồng trở xuống hoặc vốn từ 100 tỉ đồng trở xuống; riêng lĩnh vực thương mại dịch vụ là DN có số lao động từ 100 người trở xuống, doanh thu từ 300 tỉ đồng trở xuống hoặc nguồn vốn từ 100 tỉ đồng trở xuống.