Ngày 18/12/2024, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024”.
TĂNG TRƯỞNG NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP 3,1-3,4%
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết năm qua, thiên tai, đặc biệt là Bão số 3 (Yagi), đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ vào sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong năm 2024 ước đạt mức tăng trưởng 3,1% – 3,4%. trong đó: Trồng trọt tăng 1,7 – 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 – 5,5%; thủy sản tăng 5,0 – 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 – 4,2%. Sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp, như lúa, thịt, thủy sản và gỗ, đều tăng trưởng mạnh. Điển hình, sản lượng lúa ước đạt 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%, năng suất lúa cũng tăng lên mức 61,4 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 8,1 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác gần 22,9 triệu m³, tăng 9,8%.
“Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để duy trì sự ổn định và nâng cao giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Tiến khẳng định.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong suốt những năm qua, Tổng hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi của các hội viên. Tổng hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đóng góp tích cực vào quá trình phát triển nông nghiệp, đồng thời tham gia vào các hoạt động truyền thông, phản biện xã hội và vận động các hội viên tham gia vào phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, Tổng hội cũng đã đóng góp vào việc đề xuất các cơ chế chính sách mới, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Những đóng góp này đã giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho việc phát triển ngành nông nghiệp trong dài hạn.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2024 ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023; xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Những sản phẩm đạt giá trị cao hàng đầu như: Lâm sản đạt 17,2 tỷ USD, tăng 18,9%; Thuỷ sản 9,8 tỷ USD tăng 10,3%; Rau quả 7,2 tỷ USD, tăng 28,4%; Gạo 5,8 tỷ USD tăng 23,1%; Cà phê 5,4 tỷ USD tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Phong, Việt Nam đã ký kết thêm nhiều nghị định thư với Trung Quốc, mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, và cá sấu nuôi. Nông sản Việt Nam cũng đã xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như TikTok, Taobao và JD.com, giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.
Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu rất lớn về thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra, là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng ước đạt 12,6 tỷ USD trong năm 2024. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ trái cây lớn, với nhiều tiềm năng cho trái cây nhiệt đới và các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe.
ASEAN là một thị trường quan trọng đối với xuất khẩu gạo, cà phê và trái cây của Việt Nam. Gạo Việt Nam đã vững chắc “ngôi đầu” tại khu vực Đông Nam Á, chiếm từ 70-85% lượng gạo nhập khẩu của các quốc gia lớn như Philippines, Indonesia, Singapore. Bên cạnh đó, các sản phẩm cà phê và trái cây nhiệt đới như sầu riêng, xoài, nhãn, chuối đang ngày càng được yêu thích tại các quốc gia ASEAN, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
EU là một trong những thị trường quan trọng của nông sản Việt Nam. Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần lưu ý đến các quy định mới từ EU, đặc biệt là Quy định EUDR (Quy định về Giải trình Nguồn gốc Hàng hóa) có hiệu lực từ ngày 31/12/2025.
Ông Phong cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản cần chuẩn bị tốt cho năm 2025, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến kiểm tra an toàn thực phẩm và chứng nhận nguồn gốc hàng hóa khi xuất khẩu sang EU. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để EU mở cửa thị trường đối với các sản phẩm động vật trên cạn và các sản phẩm chế biến có chứa thành phần nguồn gốc động vật.
THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP XANH VÀ BỀN VỮNG
Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và hợp tác với nông dân để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã chia sẻ về các hoạt động của TTC AgriS trong việc phát triển nông nghiệp sạch, trong đó là phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây mía, bao gồm điện sinh khối, phân bón hữu cơ và cồn ethanol, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bà Ngọc nhấn mạnh: “Ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực từ hàng hóa nhập khẩu và biến đổi khí hậu. Để vượt qua những thách thức này, TTC AgriS đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ”.
“TTC AgriS cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2035 và phát triển kinh tế tuần hoàn: Tập trung phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ và đa dạng hóa chuỗi giá trị sản phẩm từ cây trồng, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu và tận dụng phụ phẩm từ cây mía như bã mía, rỉ mật để sản xuất điện sinh khối, phân bón hữu cơ và các sản phẩm phụ trợ khác. Đồng thời hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp xanh”.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
Tổng Giám đốc TTC đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các giải pháp bảo vệ ngành đường trước áp lực từ hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc… Cần có thêm các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nông nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhà nước cũng cần khuyến khích mô hình hợp tác công – tư (PPP), đây sẽ là nền tảng quan trọng để tăng cường liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Tương tự, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân trồng lúa và nuôi tôm, như mô hình “Lúa thơm – tôm sạch” và “Tôm rừng Mangrove – Carbon Zero”. Những mô hình này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cũng đang hướng tới một nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH De Heus, chia sẻ về cam kết của công ty trong việc thúc đẩy chăn nuôi bền vững thông qua chương trình “Responsible Feeding”. Chương trình này không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với sự hợp tác của các khách hàng và đối tác.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và Bộ Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các dự án sáng tạo trong nông nghiệp, đặc biệt là các dự án thân thiện với môi trường và các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ngành nông nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh: Áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, tăng cường tái chế phụ phẩm. Cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và kho bãi. Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số: Phát triển nền tảng quản lý nông nghiệp thông minh.