Thị trường tỷ đô và cuộc đua của các “ông lớn”
Theo báo cáo mới nhất từ Euromonitor International, thị trường thức ăn nhanh Việt Nam trong năm 2024 đạt doanh thu ấn tượng 22,4 nghìn tỷ đồng (khoảng hơn 953 triệu USD), tăng 7% so với năm trước. Điều này cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường đối với các nhà đầu tư và tiềm năng tăng trưởng to lớn trong tương lai.
Sự thú vị trên thị trường khi các thương hiệu đến từ Châu Á lại tỏ ra thích ứng với thị trường Việt Nam để giành lấy “miếng bánh” thị phần. Jollibee Vietnam Co Ltd – thương hiệu đến từ Phillipin – tiếp tục dẫn đầu với 22% thị phần (tăng từ 21,8% năm 2023). Tiếp theo là thương hiệu Lotteria (Hàn Quốc) với 21,5% thị phần (tăng nhẹ so với 2023). Kết quả nghiên cứu của Euromonitor cũng cho thấy sự chững lại tại Việt Nam của những thương hiệu nổi tiếng từ Mỹ trong năm 2024. Chuỗi gà rán KFC chỉ còn 13,4% thị phần, giảm từ 15,3% trong năm 2023. Còn McDonald’s vẫn loanh quanh ở mức 7,1%, thua xa các thương hiệu đến từ Châu Á.
Bên cạnh việc tăng trưởng về quy mô, số lượng cửa hàng thức ăn nhanh cũng tăng 2%, lên tới 11.165 trên cả nước. Thực tế, tăng trưởng quy mô thị trường (7%) cao hơn đáng kể mức tăng cửa hàng (2%) cho thấy thói quen tiêu dùng của người Việt dành cho thực phẩm ăn nhanh dần trở nên phổ biến, giúp mỗi cửa hàng có thể phục vụ nhiều hơn.

Tại Jollibee – thương hiệu thuộc top đầu sở hữu số lượng lớn nhà hàng về số cửa hàng, thành công nổi nật có thể kể đến là khả năng “Việt hóa” thực đơn một cách tài tình. Những món ăn “signature” (món chính tạo dấu ấn) như gà rán Chickenjoy, mì Ý sốt ngọt, hay Gà cay Chilli Chicken được điều chỉnh hương vị đậm đà, cay nồng, chua ngọt để phù hợp với khẩu vị của người Việt, trở thành những lựa chọn quen thuộc và được yêu thích.
Dấu ấn công nghệ trong thị trường ăn nhanh
Theo đánh giá của Euromonitor, Việt Nam có dân số trẻ, năng động, dễ dàng tiếp thu các xu hướng ẩm thực mới. Thức ăn nhanh được xem là một phần của lối sống hiện đại, tiện lợi, phù hợp với nhịp sống bận rộn. Nên không quá khó để thấy được các chuyển dịch mạnh mẽ của các thương hiệu từ cửa hàng ăn nhanh lên không gian số. Sự phát triển của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến như GrabFood, ShopeeFood… giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với thức ăn nhanh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Thực tế, Jollibee tỏ ra rất tích cực trong các hoạt động marketing, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Các chiến dịch truyền thông sáng tạo, bắt kịp xu hướng giới trẻ, giúp thương hiệu này duy trì được sức hút mạnh mẽ. Điển hình là chiến dịch “Bee Dance Challenge” trên TikTok vào tháng 12/2024, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng và các TikToker có ảnh hưởng, đã tạo nên một “cơn sốt” trong cộng đồng mạng.
Áp lực và cơ hội cho động lực tăng trưởng
Việt Nam có nền tảng ẩm thực đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn. Điều đó dẫn tới một thực tế khá thú vị: Dù có tốc độ tăng trưởng cao, tổng doanh thu từ các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh hoặc tự phục vụ (Limited-services Restaurant – LSR) của các thương hiệu quốc tế chỉ chiếm 3,5% toàn thị trường dịch vụ ăn uống tiêu dùng. Các điểm bán món ăn Việt truyền thống như phở, bún chả, bánh cuốn,… đang chiếm lĩnh tuyệt đối với 92,6% tổng doanh thu thị trường, nhưng không có thương hiệu thực sự nổi bật.

Trong bối cảnh đó, bản địa hóa trở thành yếu tố then chốt để các thương hiệu thức ăn nhanh có thể đứng vững và phát triển. Các doanh nghiệp cần nỗ lực để hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, từ đó điều chỉnh thực đơn, giá cả, cách thức phục vụ và không gian trải nghiệm sao cho phù hợp nhất. Dân số trẻ, năng động, dễ dàng tiếp thu các xu hướng ẩm thực mới. Thức ăn nhanh được xem là một phần của lối sống hiện đại, tiện lợi, phù hợp với nhịp sống bận rộn. Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong những năm tới, giúp cải thiện thu nhập và sức mua của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường thức ăn nhanh.
Thị trường thức ăn nhanh Việt Nam là một “mảnh đất màu mỡ” với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Các thương hiệu muốn thành công cần có chiến lược kinh doanh bài bản, khả năng thích ứng linh hoạt và sự đầu tư nghiêm túc vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là chú trọng đến yếu tố bản địa hóa để chinh phục trái tim và dạ dày của người tiêu dùng Việt Nam.
Ngọc Minh