Giá xi măng, thép ít biến động
Ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính thông tin về tình hình giá cả vật liệu xây dựng 6 tháng đầu năm.
Theo đó, sản lượng thép năm 2023 được dự báo sẽ tăng khoảng 2 – 3% so với năm 2022, tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu toàn cầu tăng giảm thất thường, chi phí sản xuất tăng nên 3 tháng đầu năm, giá thép tăng phổ biến khoảng 20.000 đồng/tấn.
Về xi măng, theo Bộ Xây dựng, cung vượt nhu cầu sử dụng trong nước khoảng 10 – 30% tuỳ từng loại; xuất khẩu cũng giảm trong vài năm gần đây.
Giá xi măng trung bình 6 tháng đầu năm nay tương đối ổn định. Riêng quý 2, giá xi măng chỉ tăng khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Giá xi măng tại các tỉnh miền Nam có xu hướng cao hơn các tỉnh miền Bắc và miền Trung do ít nhà máy sản xuất và do chi phí vận chuyển.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý 3 tới, giá các loại vật liệu xi măng, thép… sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ do khả năng cung cấp, sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu xây dựng, xuất khẩu.
Giá cát, đá xây dựng có xu hướng tăng
Bộ Xây dựng cho biết, giá cát 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng, bình quân tăng 1,52% hàng tháng do nhu cầu xây dựng tăng. Giá cát ở các tỉnh miền Nam có xu hướng tăng mạnh hơn (bình quân 3,4%/tháng) do yếu tố nguồn khai thác, nhu cầu sử dụng cao hơn miền Bắc và miền Trung. Tính chung, giá cát xây dựng quý 2 tăng 2,5% so với quý 1.
Giá đá xây dựng có xu hướng tăng nhẹ nhưng đều và giữ ổn định: quý 1 tăng 2,7% so với cuối năm 2022; quý 2 tăng 2,7% so với quý 1.
Nguyên nhân đá xây dựng tăng giá, theo Bộ Xây dựng, do nhu cầu sử dụng loại vật liệu này cho các công trình giao thông đang thi công ở các khu vực trên cả nước, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 khu vực miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, do khan hiếm nguồn cát tự nhiên dùng trong thi công, nhu cầu chuyển đổi sang dùng vật liệu cát công nghiệp sản xuất từ đá cũng tăng mạnh.
Giá cát, đá xây dựng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong quý 3. Lý do, các dự án giao thông trọng điểm được khởi công đồng loạt trên cả nước từ đầu năm đến nay khiến nhu cầu về đất đắp nền, đá, cát xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương. Trong đó, điểm nóng về vật liệu xây dựng sẽ tập trung tại Hà Nội, TP.HCM và ĐBSCL.