Bốn năm trước, Việt Nam từng hợp tác với Google để nghiên cứu mức độ tác động tối đa của công nghệ đến nền kinh tế quốc gia. Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng đến năm 2030, nền kinh tế số dự kiến chiếm tới 27% GDP của Việt Nam. Điều này có nghĩa đến năm 2030, nền kinh tế dưới tác động của công nghệ có thể đạt đến 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD).
NHỮNG ĐIỂM SÁNG GIÚP VIỆT NAM LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ AI
Trong bối cảnh AI không ngừng phát triển, tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, trong đó xác định AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Đi trước Việt Nam 3 năm, từ năm 2018, Pháp đã ban hành Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng AI một cách có đạo đức và bền vững, tạo điều kiện cho nghiên cứu, phát triển tài năng và phát triển hệ sinh thái AI tại Pháp cũng như châu Âu.
Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong trí tuệ nhân tạo: Cơ hội bứt phá cho Việt Nam?” với sự tham gia của Đại sứ Pháp mới đây, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho rằng khi so sánh với một quốc gia đi đầu về AI như Pháp, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia xây dựng chiến lược phát triển AI tương đối sớm, bởi “Chính phủ đã nhìn nhận từ sớm những lợi ích của AI đối với sự phát triển của Việt Nam”. Theo ông Thịnh, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố để có thể trở thành một trung tâm phát triển AI hàng đầu.
“Pháp và Việt Nam sẽ cần cùng nhau đánh giá một cách toàn diện về vấn đề hợp tác cùng phát triển AI để quan hệ đối tác mang lại lợi ích cho cả hai nước. Dù sao, tôi cũng sẽ đề xuất cùng các lãnh đạo Việt Nam xem xét xây dựng kế hoạch hành động cụ thể dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mới được thiết lập. Hôm nay có thể là khởi đầu cho hành trình dài phía trước của chúng ta”.
Thứ nhất, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng của dân số với 75% dân số trẻ, đặc biệt 70% người Việt Nam dưới 35 tuổi. Chưa kể, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có trình độ tốt nhất thế giới. Trong đó, phần lớn các kỹ sư của Việt Nam đều làm gia công nước ngoài. Với kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế, lực lượng này khi tham gia phát triển công nghệ AI chỉ cần đào tạo ngắn hạn trong khoảng 3 tháng thay vì đào tạo từ đầu. Cùng với đó, nhằm nâng cấp chất lượng đào tạo từ các cơ sở giáo dục, hiện nay nhiều trường đại học của Việt Nam đã được đầu tư để xây dựng trung tâm nghiên cứu ngay trong khuôn viên trường, góp phần giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với công nghệ tiên tiến, bao gồm AI.
Thứ hai, nền kinh tế số của Việt Nam đang tiếp tục phát triển nhanh chóng và hiện nay Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng Internet cao nhất thế giới.
Thứ ba, những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển AI, trong đó đáng chú ý là ủng hộ thiết lập các trung tâm sandbox (thử nghiệm trong môi trường có kiểm soát) để tạo không gian cho AI phát triển.
Như tại Hà Nội, cơ chế thí điểm thử nghiệm sandbox công nghệ AI được quy định trong Luật Thủ đô, Nghị quyết số 31-NQ/TW dành cho thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 136/2024/QH15 đặc thù cho Thành phố Đà Nẵng. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Dữ liệu nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp luật để thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI.
VIỆT NAM – PHÁP CẦN NHAU TRONG PHÁT TRIỂN AI
Mặc dù có nhiều cố gắng trong nâng cao năng lực phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên thực tế cho thấy sau hơn ba năm Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 được ban hành và triển khai, Việt Nam chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, nguyên nhân gốc rễ là thiếu hụt nguồn lực về vốn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần một Ban chỉ đạo quốc gia về AI, đóng vai trò như một “kỹ sư trưởng” để dẫn lối cho ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Đại sứ Pháp, ông Thịnh cho rằng Việt Nam và Pháp đều có những lợi thế riêng trong phát triển AI. Do đó, Việt Nam mong muốn hai bên nhìn nhận những cơ hội trong chuỗi giá trị nếu có thể hợp tác cùng phát triển AI.
Pháp có lợi thế rất lớn về nguồn vốn đầu tư, đồng thời cũng là cái nôi của các nhà toán học hàng đầu. Việt Nam cũng có nguồn nhân lực chất lượng và dồi dào, đồng thời sẵn sàng chia sẻ cho Pháp những dữ liệu quý báu để các doanh nghiệp công nghệ của Pháp khai phá thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thuận lợi hơn.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã thu hút không ít sự quan tâm và nhiều đề nghị đầu tư hàng tỷ USD từ các ông lớn hàng đầu thế giới để xây dựng các trung tâm dữ liệu (data center) tại Việt Nam nhưng chưa thể triển khai, do thiếu một công nghệ quan trọng, đó là các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ để phục vụ các trung tâm dữ liệu. Trong khi đó, công nghệ điện hạt nhân của Pháp hiện đã rất tiên tiến, đây sẽ là yếu tố quan trọng để hai bên nghiên cứu và hợp tác cùng mang lại lợi ích song phương.
“Pháp và Việt Nam đang có những lợi thế bổ trợ cho nhau. Tôi nghĩ là Việt Nam rất cần Pháp và ngược lại Pháp cũng cần Việt Nam trong câu chuyện phát triển trí tuệ nhân tạo. Việt Nam nếu có đủ năng lượng sạch nhờ sự hỗ trợ từ Pháp, thì chỉ trong vòng một năm, chúng tôi có thể mời tất cả các tập đoàn lớn nhất thế giới tới đặt các trung tâm dữ liệu và máy tính lượng tử tại Việt Nam”, ông Thịnh khẳng định.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy về đề xuất hợp tác cùng phát triển AI của đại diện cấp cao Việt Nam, Đại sứ Pháp Olivier Brochet cho biết: “Pháp và Việt Nam sẽ cần cùng nhau đánh giá một cách toàn diện về vấn đề hợp tác cùng phát triển AI để quan hệ đối tác mang lại lợi ích cho cả hai nước. Dù sao, tôi cũng sẽ đề xuất cùng các lãnh đạo Việt Nam xem xét xây dựng kế hoạch hành động cụ thể dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mới được thiết lập. Hôm nay có thể là khởi đầu cho hành trình dài phía trước của chúng ta”…
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam