Đồ thị thông tin dưới đây gồm các vụ doanh nghiệp bị phạt nặng nhất kể từ đầu năm đến nay. Đây là các công ty đến từ nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng cho tới sản xuất động cơ.
Vụ phạt nặng nhất là với ngân hàng TD Bank của Canada với mức phạt kỷ lục 3 tỷ USD vì vi phạm Đạo luật bảo mật ngân hàng và rửa tiền của Mỹ. Trong đó, 1,3 tỷ USD được nộp cho Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ. TD Bank thừa nhận đã để cho 3 mạng lưới rửa tiền chuyển tổng cộng hơn 670 triệu USD qua hệ thống của mình trong vòng 6 năm. Ngoài phạt tiền, ngân hàng này cũng sẽ chịu sự giám sát trong vòng 3 năm và quản chế trong 5 năm.
Án phạt năng tiếp theo sau TD Bank là với nhà sản xuất động cơ diesel Mỹ Cummins. Tương tự như vụ bê bối Dieselgate của Volkswagen trước đây, Cummins bị buộc tội lắp đặt vào động cơ các phần mềm qua mặt hệ thống kiểm soát khí thải. Công ty này bị phạt 1,675 tỷ USD – án phạt dân sự lớn nhất trong lịch sử Đạo luật không khí sạch của Mỹ. Ngoài ra, Cummins cũng phải chi khoảng 330 triệu USD để thu hồi sản phẩm.
Vị trí thứ ba thuộc về án phạt của Apple với 2 tỷ USD tại Liên minh châu Âu (EU) vì vi phạm quy định về cạnh tranh. Nhà sản xuất iPhone bị buộc tội hạn chế thông báo cho người dùng về các lựa chọn thay thế có chi phí rẻ hơn so với nền tảng phát nhạc trực tuyến Apple Music.
Án phạt được đưa ra sau khi nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify khiếu nại rằng họ và các nền tảng tương tự phải trả phí 30% cho các giao dịch được thực hiện qua hệ thống thanh toán của Apple. Khoản phí này không áp dụng cho các dịch vụ âm nhạc do Apple phát triển. Cơ quan điều tra xác định rằng người dùng tại châu Âu “không được quyền tự do lựa chọn về địa điểm, cách thức và mức giá để mua gói đăng ký của các nền tảng phát nhạc trực tuyến” trên hệ điều hành của Apple.
Trong khi đó, công ty thương mại Gunvor của Thụy Sỹ bị các nhà chức trách Mỹ và Thụy Sỹ phạt tổng cộng 661 triệu USD vì hối lộ các quan chức cấp cao Ecuador để giành được hợp đồng dầu khí.