Lương lãnh đạo doanh nghiệp thiệt so với người lao động
Theo Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 2013 tới nay, lương của người quản lý doanh nghiệp (DN) Nhà nước giữ 100% vốn được tính theo bảng lương cơ bản tính theo chức vụ và xếp hạng DN, trường hợp lợi nhuận kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, sẽ được tính theo hệ số tăng thêm.
Hệ số tăng thêm từ 0,5 – 1 lần lương cơ bản áp dụng với lãnh đạo DN nhà nước được tính theo lợi nhuận của từng nhóm ngành nghề (ngân hàng, tài chính, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ). Trường hợp lợi nhuận thực tế vượt kế hoạch, mỗi 1% lợi nhuận vượt lương lãnh đạo DN nhà nước sẽ được cộng thêm 1%, nhưng không quá 20% tiền lương bình quân kế hoạch.
Tuy nhiên, mức lương này cũng chỉ cho vị trí chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn nhà nước, các vị trí khác trong tập đoàn, lãnh đạo các tổng công ty, DN nhà nước khác thấp hơn. Thậm chí, dù DN có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận thấp hơn năm trước, lãnh đạo chỉ nhận lương cơ bản.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng hiện hành tại Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP đang phát sinh một số bất cập.
Người quản lý DN đang áp dụng bảng lương do Chính phủ quy định trên cơ sở, trong khi người lao động được áp dụng thang bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng tương quan với thị trường. Điều này dẫn đến sự chia cắt và mất cân đối trong hệ thống thang lương, bảng lương của DN, người quản lý DN bị thiệt thòi so với người lao động, nhất là khi tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, tiền lương quy định trả cho người quản lý doanh nghiệp còn thấp, chưa phù hợp với mặt bằng tiền lương trên thị trường. Việc quy định tiền lương tăng thêm (hệ số tăng thêm) đối với người quản lý hiện nay luôn gắn với điều kiện lợi nhuận kế hoạch phải cao hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề. Điều này chưa bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa mức tăng giảm chỉ tiêu lợi nhuận với việc tăng giảm tiền lương của người quản lý.
Lương lãnh đạo tập đoàn lợi nhuận lớn có thể đến 126 triệu đồng/tháng
Để khắc phục bất cập trên, Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, DN về đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương tại DN 100% vốn Nhà nước.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 51 và 52/2016 về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng DN 100% vốn nhà nước, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất hệ số lương tăng thêm với lãnh đạo DN.
Cụ thể, với hệ số từ 1 lần lương cơ bản trở xuống, điều kiện về lợi nhuận vẫn giữ như hiện hành; nhưng bổ sung 3 hệ số tăng thêm 1,5; 2 và 2,5 lần lương cơ bản nếu quy mô lợi nhuận lớn hơn (tương tự áp dụng với DN Nhà nước nắm cổ phần chi phối), để khuyến khích các công ty tăng quy mô lợi nhuận để có tiền lương cao, cụ thể:
Đối với công ty có lợi nhuận kế hoạch cao hơn năm trước liền kề, nếu quy mô lợi nhuận dưới 700 – 1.500 tỉ đồng, theo từng lĩnh vực (ngân hàng, tài chính, viễn thông lợi nhuận dưới 1.500 tỉ; khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận dưới 1.000 tỉ; lĩnh vực còn lại có lợi nhuận dưới 700 tỉ) thì tiếp tục giữ nguyên hệ số tăng thêm không quá 1,0 lần mức lương cơ bản (như quy định hiện hành). Đối với công ty có quy mô lợi nhuận lớn, thì được áp dụng hệ số tăng thêm 1,5; 2,0; 2,5 lần lương cơ bản, cụ thể:
Lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 1.500 đến dưới 2.000 tỉ đồng tăng thêm tối đa 1,5 lần; từ 2.000 đến dưới 3.000 tỉ đồng tăng thêm tối đa 2,0 lần; lợi nhuận từ 3.000 tỉ đồng trở lên tăng thêm tối đa 2,5 lần.
Lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 1.000 đến dưới 1.500 tỉ đồng tăng thêm tối đa 1,5 lần; từ 1.500 đến dưới 2.000 tỉ đồng tăng thêm tối đa 2,0 lần; lợi nhuận từ 2.500 tỉ đồng trở lên tăng thêm tối đa 2,5 lần.
Các lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 700 đến dưới 1.000 tỉ đồng tăng thêm tối đa 1,5 lần; từ 1.000 đến dưới 1.500 tỉ đồng tăng thêm tối đa 2,0 lần; lợi nhuận từ 1.500 tỉ đồng trở lên tăng thêm tối đa 2,5 lần.
Bộ LĐ-TB-XH đánh giá, theo kết quả kinh doanh của DN nhà nước hiện nay, với thay đổi trên, tiền lương của người quản lý đa số DN vẫn cơ bản không quá 1 lần lương cơ bản, tương đương mức bình quân 40 triệu đồng/người/tháng. Lương lãnh đạo DN nhà nước làm ăn hiệu quả nhất tối đa 72 triệu đồng/người/tháng. Nếu đề xuất được thông qua, mức lương này có thể tăng thêm 1,5 lần, đạt mức 126 triệu đồng/người/tháng.
Theo dự thảo, các quy định mới trên sẽ được áp dụng từ 1.1.2024
Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2022, lương bình quân của người lao động khối DN nhà nước đạt 10 – 12 triệu đồng/người/tháng, lương lãnh đạo DN bình quân 40 triệu đồng/người/tháng. Nếu xét riêng khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lương bình quân người lao động đạt 17 – 18 triệu đồng/người/tháng, lương lãnh đạo đạt 60 – 70 triệu đồng/tháng.
Với quy định trên, mức lương kế hoạch cao nhất của lãnh đạo tập đoàn nhà nước chỉ 72 triệu đồng/tháng (chưa gồm thưởng). Nếu hết năm tài chính, DN làm ăn có lãi vượt kế hoạch lớn, mức lương người lãnh đạo tối đa cũng chỉ được 86,4 triệu đồng/người/tháng.