Chiều 19.7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chính thức thông tin tới báo chí tình hình ngành dệt may Việt Nam nửa đầu năm.
Xuất khẩu sang Mỹ giảm trên 27%
Theo đó, nửa đầu năm, ngành dệt may chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng ước đạt 18,6 tỉ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỉ USD, giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỉ USD (trong khi đó cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 8,8 tỉ USD).
Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%; EU giảm 6,2%; Nhật Bản tăng 6,6%; Hàn Quốc giảm 2%; Canada giảm 10,9%… “Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU và luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1.1 năm nay)”, đại diện Vitas cho biết.
Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022 nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỉ đồng…
Phân tích sâu câu chuyện của ngành may tại buổi gặp mặt, chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và dự báo tình hình nửa cuối năm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) diễn ra cuối tháng 6, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết đặc điểm lớn nhất từ quý 4/2022 cho tới 6 tháng đầu năm nay là đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún.
Nhấn mạnh “chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng đơn vị 500 – 700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ phải làm”, ông Hiếu cho biết lý do là bởi “không làm, thứ nhất là khách không biết đến ta và thứ hai là doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng”.
Nhiều doanh nghiệp “đói” đơn hàng quý 3, quý 4
Vitas dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4.
Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.
Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu xuất khẩu đạt 39 – 40 tỉ USD. Để hoàn thành mục tiêu, trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác; xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài; khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.
Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.
Ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ, để vượt qua khó khăn, thách thức, thời gian tới, Vinatex xác định sẽ tập trung vào các giải pháp chính như: đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất.
Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Ngành may linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng…