Phục hồi tích cực
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, số lượng hồ sơ nhà đất trong 2 tháng đầu năm 2024 là 67.750 hồ sơ so với 2 tháng đầu năm 2023 là 48.949 hồ sơ, tăng 18.801 hồ sơ. Nhờ vậy, số thu 2 tháng đầu năm đạt 103.164 tỉ đồng so với 2 tháng đầu năm 2023 là 90.741 tỉ đồng. Trong đó, nguồn thu thuế từ mua bán nhà đất tăng rất mạnh, đạt 955,3 tỉ đồng, trong khi 2 tháng đầu năm 2023 là 659,9 tỉ đồng.
Trước đó, trong báo cáo về thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM quý 4/2023 và cả năm 2023, Sở Xây dựng TP.HCM từng nhận định hoạt động kinh doanh bất động sản còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục, quý sau tăng trưởng ít âm hơn quý trước.
Những số liệu trên cũng trùng khớp với báo của Cục Thống kê TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 rằng tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP đã có những tín hiệu phục hồi từ sau khi Chính phủ ban hành các chính sách để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản như: Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 338 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”; Công điện số 993 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…
Cùng đó, thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chung tay phối hợp thực hiện nhiều chính sách thanh toán, ưu đãi cho khách hàng, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 42.300 tỉ đồng, chiếm 59,4% trong nhóm doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Chờ thêm sẽ mất cơ hội?
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng vừa qua Quốc hội đã thông qua ba luật rất quan trọng liên quân đến bất động sản đó là luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), luật Nhà ở (sửa đổi), luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều điều khoản dễ dàng, cắt bớt thủ tục hành chính từ đó giúp dự án được đẩy nhanh hơn tiến độ nên các doanh nghiệp khá vui mừng.
Theo ông Phúc, hiện bất động sản, đặc biệt là phân khúc dành cho nhu cầu ở thực vẫn được xem là một loại hàng hóa thiết yếu, vẫn bán được hàng dù không thể bán nhanh như lúc thị trường sốt nóng. Những khó khăn nhất đã qua đi khi lãi suất giảm, gửi tiết kiệm không còn cao nên tiền sẽ chảy vào chỗ trũng, người dân phải tìm kênh trú ẩn an toàn để đầu tư. Trong đó bất động sản và chứng khoán là hai kênh được chọn đầu tiên. Nếu như chứng khoán cần phải có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thì bất động sản sẽ dễ dàng hơn. Đây là thời điểm tốt để đàm phán với chủ đầu tư mua được giá tốt nhất, với nhiều sự lựa chọn nhất. “Nhưng bất động sản có sự đảo chiều rất nhanh. Một căn nhà có khi mấy tháng bán không được. Đến một ngày nào đó bỗng dưng có nhiều người gọi điện hỏi mua cùng một lúc thì chủ nhà sẽ suy nghĩ lại, có thể không bán nữa hoặc chào bán giá cao hơn. Khi thị trường bất động sản hồi phục giá sẽ tăng trở lại, khi đó cơ hội mua nhà sẽ khó hơn”- ông Phúc nói.
Ông Ngô Quang Phúc cũng nói rằng giá bất động sản luôn tăng không giảm. Ngay trong lúc thị trường khó khăn nhất, mặt bằng giá vẫn tăng bởi các chi phí đầu vào như tiền mua đất, tiền xây dựng, chi phí tài chính vẫn luôn tăng và “neo” ở mức cao. Để giảm giá, chỉ còn một cách là doanh nghiệp buộc phải giảm kỳ vọng lợi nhuận. Nếu trước đây chủ đầu tư thường kỳ vọng lợi nhuận cho một dự án khoảng 30 – 40% thì nay các doanh nghiệp đã phải suy nghĩ lại. Tại Phú Đông Group, kỳ vọng lợi nhuận của một dự án khoảng 10 – 15%. “Bây giờ việc tạo lập quỹ đất để làm một dự án là vô cùng khó khăn. Như tại dự án SkyOne (tỉnh Bình Dương) hiện rao bán khoảng 30 triệu đồng/m2, nhưng nếu sau hai năm nữa, cũng tại vị trí đó thì giá sẽ phải tăng 20 – 30%. Chính vì vậy, nếu lúc này có dòng tiền, có được một khoản thu nhập đủ trả nợ vay ngân hàng và nếu chọn được sản phẩm phù hợp thì nên mua nhà, không cần phải chờ nữa. Nếu chờ đợi thêm sẽ mất cơ hội”, ông Ngô Quang Phúc phân tích.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cũng nhận định từ nửa cuối năm 2022 đến hết quý 1/2023 là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM. Trong đó, quý 1/2023 là vùng đáy của thị trường bất động sản TP.HCM với mức tăng trưởng âm đến 16,2%. Bước sang quý 2/2023, thị trường bất động sản TP.HCM dần vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại, tuy vẫn còn tăng trưởng âm nhưng có dấu hiệu giảm dần với mức tăng trưởng âm là 11,5%. Quý 3/2023, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại, tốc độ có chậm nhưng thể hiện sự phục hồi vững chắc hơn, tuy vẫn còn tăng trưởng âm nhưng tiếp tục xu thế giảm dần với mức tăng trưởng âm là 8,7%. Đến cuối năm 2023, có thể khẳng định thị trường bất động sản TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy vẫn còn tăng trưởng âm nhưng đã giảm rõ rệt với mức tăng trưởng âm cả năm 2023 chỉ còn là 6,38%.
“Bước qua hai tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất và trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu bất động sản cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường. Với đà phục hồi này có thể nhận định là thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.