Quyết tâm cải thiện chỉ số PCI
Vừa qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, qua phân tích hồ sơ đánh giá của bảng xếp hạng vẫn còn 4/10 chỉ số giảm điểm so với năm 2022 gồm: tính minh bạch (-1,04 điểm); chi phí không chính thức (-0,32 điểm); tính năng động của chính quyền tỉnh (-0,66 điểm); cạnh tranh bình đẳng (-0,16 điểm).
Ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết, để cải thiện các chỉ số này, sở đã tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị chuyên đề phân tích, khuyến nghị một số giải pháp cải thiện điểm số trong năm 2024. Phân tích những cải cách cấp cơ sở để củng cố năng lực cạnh tranh bền vững của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.
Đồng thời, sở tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch tổng thể khắc phục các chỉ số thấp điểm và duy trì nâng cao chất lượng đối với các chỉ số được ghi nhận, đánh giá có điểm số tốt được thể hiện tại hồ sơ PCI năm 2023.
Chỉ số thành phần “Cạnh tranh bình đẳng” có điểm số giảm so với năm 2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách, sở đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục.
Các chỉ số “Tính minh bạch”, “Tính năng động của chính quyền tỉnh”, chỉ số “Chi phí không chính thức” cũng được các cơ quan nghiên cứu khắc phục nghiêm túc.
Theo đó, văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Sở TT&TT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan tập trung khắc phục đối với chỉ tiêu thành phần thấp điểm như: Nâng cao chất lượng website của tỉnh, tập trung thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, tổ chức gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 10, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức 9 cuộc gặp mặt doanh nghiệp với tổng số trên 600 lượt chủ doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự.
Tại các cuộc gặp mặt, đối thoại, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã về tạo mặt bằng sạch, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giao đất thực hiện dự án đã được các đơn vị tiếp thu, xem xét giải quyết kịp thời.
Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, có 255 kiến nghị được tiếp nhận qua các hội nghị, đối thoại, lượt làm việc và gửi trực tiếp đến các cơ quan nhà nước. Có 201 kiến nghị đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố giải quyết, hoặc trả lời bằng văn bản, 11 kiến nghị đã báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét chỉ đạo, đang xem xét giải quyết 29 kiến nghị.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đánh giá, hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố là hoạt động rất thiết thực. Thông qua đối thoại, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến giải phóng mặt bằng, đất đai, xây dựng đã được các sở, ngành, địa phương, tiếp nhận, xem xét từng bước tháo gỡ hiệu quả.
Cùng với việc tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, các sở, ngành chủ động cung cấp thông tin, công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đất đai, xây dựng trên các trang tin điện tử và tại mỗi cơ quan đơn vị cho các doanh nghiệp có nhu cầu, tập trung tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án.
Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp chuyên đề 6 cuộc về giải phóng mặt bằng, qua đó đã tháo gỡ trên 200 trường hợp liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Tổ chức 15 cuộc họp để thống nhất, đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh.
Gần 1000 doanh nghiệp thành lập mới
Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn cho biết, chỉ số thành phần tiếp cận đất đai tuy điểm số được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Do đó, trong năm 2024, sở đã thực hiện một số giải pháp như rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường còn bất cập, rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lên trang thông tin điện tử của sở.
Đến giữa tháng 10/2024, sở đã tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn công bố 62 thủ tục hành chính của ngành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành hướng dẫn trình tự giải quyết khó khăn,vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện.
Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đạt kết quả cao, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 984 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 164% kế hoạch, lũy kế đến nay toàn tỉnh có gần 5.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 59 nghìn tỷ đồng. Cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án với tổng vốn đầu tư 6.112 tỷ đồng. Điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 23 dự án, số vốn tăng thêm 579 tỷ đồng.
Phạm Công