Cụ thể, trong danh sách tài sản đảm bảo cần xử lý để thu hồi nợ của VietinBank có 358 bất động sản, 38 phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị… trị giá lên đến hơn 8.000 tỉ đồng. Phương thức bán là đấu giá hoặc thỏa thuận.
Giá trị tài sản lớn nhất trong danh sách này là một khách sạn 5 sao tại TP.Đà Nẵng, xây dựng trên diện tích 1.200 m2, quy mô 236 phòng, được giao bán với giá 600 tỉ đồng.
Giá trị tài sản lớn thứ 2 là một khách sạn 4 sao tại Hội An (Quảng Nam), quy mô trên 100 phòng, được chào bán với giá 420 tỉ đồng. Ngoài ra có rất nhiều khách sạn loại 3 – 4 sao, homstay, biệt thự với giá từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng.
Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… cũng có hàng chục bất động sản khác cũng bị VietinBank rao bán với giá trị từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng.
Một nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm ở H.Chư Sê (Gia Lai) được rao bán hơn 108 tỉ đồng; một nhà xưởng sản xuất gia công các loại sản phẩm gỗ tại H.Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được rao bán gần 20 tỉ đồng…
Ngoài thông báo bán tài sản thu hồi nợ, VietinBank cũng chào bán 566 khoản nợ vay tiêu dùng có quy mô từ vài trăm nghìn đồng đến gần 200 triệu đồng với giá thu về chỉ bằng 90% giá trị ghi sổ (gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt).
Tình trạng nhiều ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo là nhà đất, xe ô tô, khoản nợ đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Ngân hàng Nhà nước cũng thống kê, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,91% vào cuối tháng 2.2023, so với thời điểm cuối năm 2022.
Không dễ bán bất động sản ở thời điểm này
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng không cần chờ các ngân hàng rao bán thanh lý tài sản đảm bảo, “cái chết” của nhiều doanh nghiệp, chủ khách sạn, nhà hàng đã được báo trước từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Thực trạng này rõ ràng nhất là ở những vùng có du lịch biển phát triển như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh)…
“Khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, thì bất ổn chính trị ở Đông Âu lại nổ ra giang thêm một đòn chí mạng vào du lịch ở Việt Nam vốn có lượng khách lớn từ vùng này và Trung Quốc. Trong khi đó, du lịch nội địa chỉ bùng lên mạnh trong thời gian ngắn của năm 2022 rồi lịm dần. Sang năm 2023, cả nền kinh tế thế giới, trong nước thấm đòn nên thu nhập đại đa số người dân bị giảm sút, thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh. Trong đó, nhu cầu du lịch thường sẽ bị cắt đầu tiên. Đây là nguyên nhân chính khiến bất động sản du lịch ở vùng biển èo uột ngay trong mùa hè. Và đương nhiên, nhà hàng, khách sạn, homestay… của những chủ đầu tư không trường vốn sẽ bị ngân hàng siết nợ, rao bán để thu hồi tiền cho vay”, ông Đính nói.
Chủ tịch VARS cho rằng, bất động sản du lịch ở biển thời gian gần đây bị rao bán hạ giá nhiều so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Tuy hạ giá nhưng thanh khoản rất kém do dòng tiền vào bất động sản rất yếu vì nhà đầu tư khó tiếp cận vốn tín dụng. Trong khi, nếu chỉ dựa vào tiền tích lũy, nhàn rỗi thì khó mua được bất động sản du lịch ở các vùng biển.
Do vậy, ông Đính cho rằng, VietinBank sẽ không dễ để thanh lý được số bất động sản kể trên. Muốn thanh lý thành công, nên xem xét kèm theo chính sách hỗ trợ tài chính cho người mua lại các tài sản lớn để bán đấu giá, thỏa thuận thành công các tài sản đảm bảo. Tất nhiên, việc soát xét về điều kiện hỗ trợ tài chính này cần nghiêm ngặt để tránh nợ xấu chồng nợ xấu.