Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính về điều hành giá xăng dầu, sau khi Bộ Công thương có văn bản xin ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước, theo thẩm quyền chủ động điều hành kịp thời, hiệu quả giá xăng dầu và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định.
Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; không để ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống người dân; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu.
Bộ Công thương được yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Chiều nay 21.9, liên Bộ Công thương – Tài chính đã công bố điều chỉnh giá xăng dầu theo định kỳ từ 16 giờ. Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường tăng mạnh mặc dù đã chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 726 đồng/lít, lên 24.197 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 877 đồng/lít, lên 25.748 đồng/lít.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang có số dư rất lớn nhưng không được chi sử dụng suốt 5 kỳ điều hành vừa qua để kìm hãm bớt mức tăng giá. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31.7, số dư của quỹ đã lên tới hơn 7.438 tỉ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm 2022 (hơn 4.600 tỉ đồng) và là mức cao nhất từ quý 1/2021 đến nay. Thế nhưng, kể từ đầu năm đến nay, mức chi quỹ khá ít và số lần chi cũng hãn hữu.