Tận dụng giãn cách để nghiên cứu sản phẩm
Ngồi trước mặt tôi là Nguyễn Đức Nhật Thuận, chàng trai chỉ vừa bước qua tuổi 30 vài năm nhưng nét mặt dày dặn phong trần, pha lẫn chút khắc khổ. Thuận xuất thân từ tỉnh Quảng Trị, học đại học tại TP.HCM ngành quản trị kinh doanh và ra trường làm việc cho một công ty chuyên về logistics. “Lương của tôi lúc đó cũng khá lắm, công việc ổn định, gia đình tôi rất an tâm. Đối với một thanh niên vừa ra trường, khởi đầu này có thể nói là bằng phẳng, thuận lợi”, Thuận kể. Dù vậy, Thuận vẫn luôn ấp ủ cho mình hoài bão phải làm được những điều có ích cho quê hương. Một người cô của anh gửi gắm: “Con làm ngành xuất khẩu, nhớ mang đặc sản quê mình ra nước ngoài cho nhiều người biết”.
“Có khi lời nói đó chỉ là bâng quơ, nhưng tôi trăn trở nhiều lắm. Vùng đất Quảng Trị xưa nay nhiều người chỉ biết đến về một miền thương tích bom đạn, lam lũ, nghèo khó. Nhưng với tôi những món ăn đặc trưng quê mình chính là những món quà vô giá. Ở TP.HCM có phở Hà Nội, có bún bò Huế, có tất cả các món ăn vùng miền, nhưng tại sao Quảng Trị lại không có gì? Từ đó nung nấu khát vọng trong tôi đưa được văn hóa ẩm THỰC Quảng Trị đến với mọi người”, Thuận kể.
Nghĩ là làm, năm 2015, anh nghỉ việc để mở quán Cà Mèn, cái quán nhỏ núp hẻm với vài bàn ghế nhựa ở Q.Tân Phú. Một thời gian sau, anh dời quán ra một phố ăn uống có tiếng ở Q.Phú Nhuận. Món đầu tiên giúp anh tạo thương hiệu là bánh ướt Phương Lang, rồi mở rộng sang cháo bột cá lóc, cháo bột vịt, gà bóp rau răm, miến lươn xào. Cháo bột là từ địa phương Quảng Trị còn tên gọi phổ biến hơn của món ăn này là bánh canh.
Toàn bộ nguyên liệu, gia vị đều được Thuận mua từ Quảng Trị và vận chuyển bằng máy bay để phục vụ thực khách ngay trong ngày. Những người đồng hương, cộng đồng mà Thuận tiến hành khảo sát trước khi mở quán, chính là khách hàng chủ lực giai đoạn đầu và hỗ trợ anh tiếp thị truyền miệng. Nhờ đông khách, Thuận phát triển được tổng cộng 3 quán cho đến năm 2018.
Năm 2021, khi chính sách giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 được áp dụng, quán Cà Mèn cũng như nhiều hàng quán khác phải đóng cửa trong một thời gian dài. Trong quá trình nấu cơm miễn phí để tiếp tế cho các lực lượng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, Thuận nghe nhiều bệnh nhân tỏ mong muốn được ăn món bánh canh cá lóc quê nhà. Ý tưởng “đóng gói” món bánh canh nảy sinh từ đó. Nhật Thuận cùng ê kíp bắt tay vào nghiên cứu. Cá lóc và nguyên liệu bánh canh tiếp tục được nhập từ Quảng Trị.
Thịt cá được lóc ra từng miếng, xương cá giã nhỏ dùng để nấu nước sốt theo công thức được học hỏi từ quán ngon nhất Quảng Trị. Ban đầu, Thuận đóng theo gói lớn dùng cho 5 người ăn nhưng kích thước cồng kềnh gây trở ngại cho việc bảo quản và vận chuyển. Chưa kể nếu ăn không hết, tiếp tục bảo quản sẽ khiến cho món ăn bị mất chất. Thuận lại tiếp tục mày mò nghiên cứu.
Cá lóc lần này không sử dụng cá lóc đồng nữa vì thịt dai nhưng thời gian bảo quản ngắn. Thuận sử dụng cá lóc bán tự nhiên để sử dụng được lâu hơn và kiểm soát được dư lượng tạp chất, gói bánh canh cũng được điều chỉnh nhỏ gọn lại cho phù hợp. Gạo sử dụng để nấu bánh canh cũng là loại gạo hữu cơ phù hợp với thể trạng của nhiều đối tượng. Khi cả nước mở cửa trở lại, không còn cách ly, cũng là lúc Thuận đưa ra thị trường sản phẩm mới bánh canh cá lóc Cà Mèn.
Câu chuyện “chở củi về rừng”
Tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm bánh canh cá lóc đóng gói chỉ mới xuất hiện hơn 1 năm, nhưng đã chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cà Mèn đã có hệ thống hàng chục đại lý cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước. Thuận kể trong tất cả các địa phương, việc sản phẩm “cháo bột cá lóc” đứng chân được ở quê hương Quảng Trị là một thành tích đáng tự hào.
“Ở quê tôi, bước ra ngõ là thấy ngay quán cháo bột cá lóc, nó phổ biến đến mức từ già đến trẻ ai cũng ăn. Giá một tô chỉ khoảng 20.000 đồng. Còn sản phẩm đóng gói của Cà Mèn đắt gấp đôi, giá 50.000 đồng/gói. Nhưng tôi vẫn bán được ở Quảng Trị, mỗi tháng tiêu thụ 3.000 – 5.000 gói. Điều đó chứng tỏ chất lượng của gói bánh canh cá lóc ăn liền không hề thua kém với tô bánh canh ngay tại quán”, anh Thuận chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận
Thời gian qua, nhiều chuyên gia gợi ý, giới thiệu với Thuận công nghệ sấy tiên tiến từ Nhật Bản và một số nước khác để tham khảo và áp dụng. Tuy nhiên, những công nghệ này thường chỉ giữ được 80 – 85% chất lượng sản phẩm khi hoàn nguyên. “Tôi đã nghiên cứu áp dụng và khẳng định món bánh canh tươi theo công nghệ sáng chế của mình mới giữ được hương vị tươi nguyên, và cạnh tranh được với đặc sản truyền thống ngay tại bản địa. Những người khó tính nhất khi dùng sản phẩm này cũng đều thừa nhận chất lượng gần như nguyên bản với nồi bánh canh vừa nấu xong”, Thuận tự hào và tiết lộ bí quyết ở đây là nhờ nguyên liệu hầu như tất cả đều được nhập trực tiếp từ Quảng Trị: cá lóc, bột gạo, ớt bột, tiêu, nước mắm, ruốc…
Không những tạo ra công việc cho hệ thống cửa hàng, phân phối, hiện nay Cà Mèn còn giúp đầu ra ổn định cho nhiều người tại quê hương Quảng Trị đang chế biến, cung cấp nguyên liệu. Con số này sẽ tăng lên nhiều lần khi dự án mở nhà máy sản xuất tại Quảng Trị được thực hiện. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng hết sức tạo điều kiện hỗ trợ, giới thiệu công nghệ mới và đang đưa cháo bột cá lóc vào danh sách xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao.
Tôi đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một nhà máy ngay tại quê hương Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh mừng lắm, thỉnh thoảng lại gọi điện thoại nhắc. Dự án có thể triển khai ngay vào năm sau, nếu thuận lợi sẽ tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, bên cạnh đó còn góp phần đưa tên tuổi món ăn Quảng Trị đi xa. Vốn liếng thì nhiều người sẵn sàng làm cổ đông nhưng tôi chưa thấy cần thiết vì mình vẫn đủ khả năng xoay xở.
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận
Nhưng để đến được hôm nay, Thuận cũng trải qua không ít giai đoạn khó khăn. Năm 2018, đang làm chủ của 3 nhà hàng nhưng do còn khá trẻ và thiếu kinh nghiệm trong quản trị nên dù nhà hàng nào của Thuận cũng đông khách, Cà Mèn vẫn rơi vào thua lỗ. Thời điểm đó, vợ chồng Thuận chỉ còn đúng 500.000 đồng trong túi, tài sản cuối cùng là chiếc laptop cũ được mang đi cầm cố để trả nợ. Tết năm đó không còn tiền bạc để về quê, Thuận gọi điện thoại cho mẹ xin lỗi vì đã thất bại. “Đó là khoảnh khắc mà tôi không thể nào quên được”, kể đến đây, anh dụi mắt có chút nghèn nghẹn.
Xuất khẩu đi Mỹ như một giấc mơ
Thuận chưa từng đặt chân đến Mỹ, chưa từng nghiên cứu thị trường nhưng đến thời điểm hiện tại, món bánh canh cá lóc Cà Mèn lại đang gây sốt trong cộng đồng người Việt tại nước này. Thuận kể ngay từ khi hoàn thành sản phẩm, ước mơ của Cà Mèn là mang đặc sản Quảng Trị đến với người tiêu dùng cả nước và kiều bào hải ngoại.
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn), Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của LNS – đơn vị chuyên nhập khẩu nông sản, thực phẩm VN phân phối đến khoảng 1.000 siêu thị, cửa hàng – xác nhận giai đoạn đầu năm nay, món cháo bột cá lóc của Cà Mèn đột nhiên “hot” tại thị trường Mỹ, nhất là ở Houston. Vì tò mò, bà cũng tìm mua. Lần đầu thấy một món ăn đóng gói mà có miếng cá lóc to, vị không khác nấu tại nhà khiến bà quyết định tìm đầu mối để nhập hàng.
Thuận tự mày mò tìm hiểu quy trình để xuất khẩu, trực tiếp gửi thư cho cơ quan quản lý thực phẩm bên Mỹ. Nhưng thật bất ngờ, một đối tác phân phối tại Mỹ tình cờ thưởng thức được món bánh canh cá lóc đóng gói từ nguồn hàng xách tay nên chủ động liên hệ.
“Có nhiều điều khoản được nhà phân phối đặt ra, trong đó có yêu cầu được in tên của họ lên bao bì. Tôi chấp nhận nhưng nhất quyết không thay đổi cái tên thương hiệu Cà Mèn. Đó là kỷ vật của những người con miền Trung xa quê, là cái nôi nuôi dưỡng khát vọng nâng tầm ẩm thực quê nhà của tôi và những cộng sự. Nhìn thấy nhiều sản phẩm VN phải xuất khẩu dưới thương hiệu hay tên của công ty khác, tôi thấy đây là điều thiệt thòi. Đặc biệt, sản phẩm này được tạo ra bằng chất xám, bằng sự nghiên cứu công nghệ và bằng tâm huyết của những người con miền Trung luôn hướng về quê hương ruột thịt. Vì lẽ đó tôi đã thuyết phục được nhà phân phối tại Mỹ giữ nguyên thương hiệu Cà Mèn dù sản phẩm còn khá mới mẻ. Không những vậy, chúng tôi còn đưa cả một đoạn thơ giới thiệu đặc sản quê hương:
Không phải người Mạ nào cũng là đầu bếp năm sao
Nhưng bữa cơm ngon nhất đời ta luôn từ tay Mạ nấu.
Những món ăn ngon nuôi con từ thơ ấu.
Dẫu sắn nướng khoai lùi, vẫn thảo thơm tình mẹ mãi muôn sau…
Như món quê hương “cháo bột – cá tràu”.
Từ hạt gạo trên đồng, từ cá ngon ngoài ruộng.
Đâu chỉ là ăn món ăn, ta ăn cả một miền tâm tưởng
Ăn nỗi hoài hương, ăn ký ức quê làng…
“Đối với tôi, những hợp đồng ký được, những lô hàng xuất đi là niềm khát vọng lâu nay, nhưng tôi không ngờ nó lại đến quá nhanh như vậy, cứ như một giấc mơ”, Thuận thổ lộ. Những sản phẩm xuất ngoại đầu tiên chính là nhờ các khách hàng Việt kiều mang đi theo kiểu hàng xách tay. Người này giới thiệu người kia, nhu cầu ngày càng cao hơn và trở thành xu hướng lúc nào không biết. Nhớ lúc tung sản phẩm ra thị trường, phải đi bán từng gói một, đến nay đã có nhà phân phối ở Mỹ nhanh nhạy đã liên hệ để cùng hợp tác. Hợp đồng ký đến năm 2026, trị giá hơn 5 triệu USD… Nói thì ngắn nhưng thực tế, để xuất khẩu thực phẩm chính ngạch qua Mỹ rất khó khăn.
Tôi đã liên hệ với nhiều kênh phân phối khác ở châu Âu, châu Á và những nơi có đông người Việt sinh sống. Sản phẩm đã được đón nhận tại thị trường nội địa và ở Mỹ, đó là cơ sở vững chắc để Cà Mèn nâng tầm khát vọng cao hơn. Hiện nay Cà Mèn đã có đội ngũ nhân viên hàng chục người, sản phẩm tiêu thụ tốt và sắp tới còn chuẩn bị ra thêm sản phẩm khác là miến lươn Nghệ An. Rồi từng bước mình nghiên cứu để đưa sản phẩm vùng miền đi muôn nơi bằng chính công nghệ chế biến của người Việt. Bài toán hóc búa nhất của ngành thực phẩm ăn liền chính là phải đảm bảo được tiêu chí tiện lợi mà chất lượng, đó chính là lý do họ khai thác triệt để món mì gói và biến tấu ra nhiều sản phẩm khác nhau. Công nghệ chế biến tươi và đóng gói không cần đến chất bảo quản có lẽ là sự khác biệt lớn nhất và là lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực ẩm thực.
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận
Ngoài các yêu cầu về chất lượng sản phẩm phải đảm bảo an toàn, ổn định và thủ tục cũng khắt khe. Ban đầu, khi Thuận gửi thư để xin xác nhận, phía Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cử người hướng dẫn. Ngoài ra còn phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu pháp lý khác cũng như còn phải được đích thân đại diện cơ quan chức năng Mỹ đến xưởng sản xuất tại VN để thẩm định. May mắn là nhà phân phối cũng đã tích cực hỗ trợ để các thủ tục được hoàn thành nhanh chóng.
Tháng 6.2023, container bánh canh cá lóc Quảng Trị đầu tiên của Thuận bắt đầu đi Mỹ bằng đường biển và nhanh chóng được bán hết vèo. Nhà phân phối hối thúc tiếp tục sản xuất để xuất tiếp container thứ hai. “Tôi nhớ có lần gần 2 giờ sáng, một cụ bà hơn 80 tuổi định cư tại Mỹ 3 thập niên, gọi điện thoại và khóc. Bà nói món cháo giống hương vị của mẹ bà từng nấu nên rất xúc động”, Thuận kể.
Tổng cộng từ tháng 6.2022 đến tháng 6 năm nay, Thuận bán 200.000 gói bánh canh cá lóc Quảng Trị trong và ngoài nước. Nhưng với chàng trai ấy, quan trọng nhất là quảng bá được thương hiệu thuần Việt chứ không “mượn” tên của bất kỳ ai khác.