Trong bản tin mới nhất của MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mekong), cho biết: Mực nước ở các trạm trên dòng chính khu vực hạ lưu sông Mekong đang giảm xuống chủ yếu do thiếu mưa nhưng việc tích trữ từ các đập của Trung Quốc khiến vấn đề trở nên tệ hơn. Trong tuần từ 19 – 25.6, các đập trên dòng chính sông Mekong ở Trung Quốc đã tích trữ gần một tỉ mét khối nước. Cụ thể là Đập Nọa Trát Độ, con đập lớn nhất ở lưu vực sông Mekong, đã tích trữ khoảng 364 triệu mét khối nước và đập Hoàng Đăng tích trữ ước tính 428 triệu mét khối nước.
Theo MDM, khu vực thượng lưu vực của Trung Quốc đang có điều kiện ẩm ướt hơn bình thường trong khi hạ lưu phần lớn bị hạn hán. Sẽ hợp lý hơn nếu chủ đầu tư các con đập này cho phép nhiều nước hơn chảy xuống hạ lưu để hỗ trợ nghề đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp. Việc này sẽ có lợi cho rất nhiều người vì đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm vốn trở nên khan hiếm và đắt đỏ trên phạm vi toàn châu Á. Những tuần đầu tiên của mùa mưa này rất quan trọng để bắt đầu nhịp lũ Mekong, nguồn sinh kế của hàng chục triệu người dựa vào đó.
MDM dự báo: Trong những tuần tới, nhiều đập sẽ tiếp tục tích lượng nước nhiều hơn. Điều này làm giảm nhịp lũ tự nhiên cực kỳ quan trọng của sông Mekong, sẽ gây ra những tác động đối với sản lượng thủy sản và nông nghiệp trên toàn lưu vực.
Mô hình dòng chảy tự nhiên hiện ước tính 32% lượng nước bị thiếu tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) do việc tích trữ nước ở các đập thủy điện thượng nguồn Trung Quốc, các trạm xa hơn về phía hạ lưu, mực nước sông có nơi thấp hơn khoảng 1 mét.