70% doanh nghiệp tăng ngân sách cho đổi mới, sáng tạo trong ít nhất 2 năm tới
Khi nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp muốn chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu buộc phải đổi mới, sáng tạo để tồn tại, cạnh tranh thành công.
Lễ công bố Danh sách Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 (VIE50) và Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 trong các ngành (VIE10) vừa diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Báo Đầu tư công bố dựa trên kết quả nghiên cứu của Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research).
Đây là năm đầu tiên Danh sách Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 (VIE50) và Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 trong các ngành Chế biến chế tạo; Công nghệ thông tin – Viễn thông; Dược – Thiết bị y tế; Logistics; Ngân hàng; Bảo hiểm; Bán lẻ; Nông nghiệp công nghệ cao; Thực phẩm Đồ uống, Xây dựng – Bất động sản.
Các doanh nghiệp được tôn vinh trong sự kiện là những đơn vị đã ứng dụng những sáng tạo, đổi mới và cách tân trong hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo lập vị thế trên thị trường và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong sách VIE50 và VIE10 cho thấy có đến 84% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới trong đó phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào đổi mới, cải tiến sản phẩm dịch vụ và quy trình. 70% các doanh nghiệp trong khảo sát cũng cho biết dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo trong ít nhất 2 năm tới.
Khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp muốn chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì buộc phải đổi mới, sáng tạo để tồn tại và cạnh tranh thành công.
Minh chứng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được vinh danh là 1 trong 10 doanh nghiệp dẫn đầu danh sách VIE50. Bên cạnh đó, Petrovietnam còn là doanh nghiệp dẫn đầu trong Top 10 các doanh nghiệp năng lượng – hóa chất sáng tạo và kinh doanh hiệu quả của nhóm ngành nghề Chế biến – Chế tạo.
Trải qua một giai đoạn ứng phó với “khủng hoảng kép” từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm trong từ cuối năm 2019, Petrovietnam bằng những giải pháp quản trị kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, khắc phục các khó khăn, đạt được những kết quả khả quan.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam nhận vinh danh tại buổi lễ |
Những kết quả sản xuất kinh doanh của Petrovietnam đã trở thành “điểm sáng” trong nền kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 để phát triển.
5 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước hết sức khó khăn, thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng kỷ lục trên diện rộng gây ra tình trạng thiếu điện, sản xuất suy giảm…, hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam vẫn duy trì an toàn, ổn định.
Bên cạnh đó, Petrovietnam được đánh giá là một trong những doanh nghiệp lớn nhanh chóng vào cuộc trong việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ, kịp thời nắm bắt các xu hướng trên thế giới nhằm đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh.
Hay như Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials) cũng được vinh danh “Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2023” (VIE10), nhờ đạt nhiều thành tựu công nghệ nổi bật trong lĩnh vực sản xuất các vật liệu công nghệ cao, phục vụ các ngành công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu.
Là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về bột kim loại Vonfram và Các bua Vonfram công nghệ cao (các sản phẩm Vonfram cận sâu), Masan High-Tech Materials có các tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc. Ngoài ra, công ty còn sở hữu 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Đức và Việt Nam.
Hiểu rõ tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, Masan High-Tech Materials không ngừng đầu tư nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất, kiến tạo những giải pháp đột phá, phát triển các sản phẩm xanh… Tính đến năm 2022, Công ty đã có 95 bằng sáng chế mới trên toàn thế giới và 50 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn ứng dụng.
Đại diện Masan High-Tech Materials nhận giải |
Thông qua các dự án nghiên cứu và thí nghiệm mô phỏng, đến nay Masan High-Tech Materials đã phát triển và hoàn thiện quy trình tái chế, cho phép thu hồi toàn bộ Lithium, Niken, Đồng, Coban, Mangan từ các sản phẩm pin thải; đồng thời phát triển các công thức tinh luyện đặc thù nhằm đạt được hiệu quả thu hồi Vonfram cao hơn.
Những thành tựu công nghệ nổi bật đó giúp Masan High-Tech Materials không còn phụ thuộc vào nguồn cung sơ cấp trong khai thác khoáng sản mà còn cho phép đẩy mạnh mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Năm 2022, bất chấp tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, công ty đạt doanh thu kỷ lục là 15.550 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng (tăng 15%) so với năm tài chính 2021. Doanh thu từ Vonfram tăng 13%, trong đó 70% đến từ các sản phẩm Vonfram cận sâu – Vonfram Các bua và bột Vonfram của H.C. Starck. Lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế (EBITDA) tăng 5%, đạt 3.203 tỷ đồng – EBITDA cao thứ hai từ trước đến nay.
Các sản phẩm vật liệu của Masan High-Tech Materials đã tiếp cận thị trường toàn cầu. Cụ thể, 45% sản phẩm của Công ty được bán ở Châu Âu, 22% được bán ở khu vực Bắc Mỹ, 18% được bán ở Trung Quốc và sản xuất tại Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc; 15% được bán ở các nước còn lại trên thế giới.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), định nghĩa đổi mới sáng tạo là đổi mới cách làm hiện tại, đưa ra các sáng kiến về sản phẩm – dịch vụ – công nghệ – giả pháp – mô hình để kiến tạo giá trị mới.
Theo đó, có ba giá trị mà doanh nghiệp cần thấy rõ khi thực hành đổi mới sáng tạo. Thứ nhất là hiệu quả đem lại cho doanh nghiệp, được thể hiện ở doanh thu, lợi nhuận,… Thứ hai, hiệu lực, tức giải pháp đổi mới sáng tạo giúp khách hàng, xã hội tin tưởng, yêu quý doanh nghiệp hơn. Thứ ba là hiệu năng thích ứng với đổi thay và biến động.
PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng ở Việt Nam, hiện các doanh nghiệp chủ yếu nhìn vào yếu tố hiệu quả mà chưa nhìn thấy hiệu lực và hiệu năng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần hiểu rõ ba trụ cột của đổi mới sáng tạo, bao gồm hiệu quả, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và điều kiện khuyến khích, hỗ trợ nguồn lực.
Tuy nhiên, phía Chính phủ cần kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo từ hỗ trợ về tài chính công nghệ, quy chế, thể chế, định chế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện thuận lợi về tuyển dụng nhân tài. Ngoài ra, cần một môi trường bình đẳng, cạnh tranh. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp chân chính được hưởng lợi, tưởng thưởng những người xứng đáng, sáng tạo.