Theo đó, Sở KH-ĐT đã phân nhóm các dự án để xử lý. Qua xem xét, sở đã chia ra hai nhóm các dự án đang vướng mắc và đề xuất hướng xử lý trong thời gian tới.
Nhóm thứ nhất là các dự án đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện nay sở đang thụ lý 117 hồ sơ. Trong số này có 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm dự án nhà ở thương mại do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định của luật Nhà ở 2014. Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM không chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án này vì không đáp ứng điều kiện để được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án nhà ở theo quy định của luật Đầu tư và luật Nhà ở. Đồng thời thông tin cho nhà đầu tư được biết về việc không tiếp tục xử lý hồ sơ theo đề nghị của nhà đầu tư.
Các dự án này trong nhóm gồm: khu nhà ở thấp tầng Nam Khang (6,5ha) do Công ty Bất động sản Nam Khang làm chủ đầu tư; dự án văn phòng đại diện, nhà khách tỉnh Hậu Giang và khu thương mại kết hợp căn hộ (1,58ha) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Hậu Giang làm chủ đầu tư; khu căn hộ để bán Sila Thảo Điền do Công ty Cổ phần I Con làm chủ đầu tư; khu nhà ở Thới An (7,12ha) do Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh Phát triển nhà Sang Anh làm chủ đầu tư; Chung cư sông Sài Gòn (2,83ha) do Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc làm chủ đầu tư; Khu dân cư Linh Trung (2,71ha) do Công ty Cổ phần Minh Long Đông Sài Gòn làm chủ đầu tư; khu phức hợp Trường Phước Lộc (7,1ha) do Công ty Cổ phần Bất động sản Trường Phát Lộc làm chủ đầu tư; dự án khu dân cư CityLand (6,6ha) do Công ty TNHH Đầu tư địa ốc TP.HCM làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở An Phú (6,1ha) do Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư; khu nhà ở tại phường Bình Trị Đông B quận Bình Tân (2,5ha) do Công ty cổ phần Phát triển Hoa Lâm làm chủ đầu tư…
Trong nhóm này có 55 dự án đang được xem xét giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Trong đó các dự án đang vướng mắc về pháp luật có 3 dự án, các dự án đang được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra có 3 dự án, các dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền xem xét của thành phố có 49 dự án.
Đối với những dự án gặp khó khăn vướng mắc về việc xử lý đất do nhà nước trực tiếp quản lý (kênh rạch, đường đi…), Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường sớm tham mưu UBND TP.HCM ban hành bộ tiêu chí để xem xét tách thửa độc lập để làm cơ sở giao phần diện tích đất do nhà nước quản lý trong ranh dự án theo quy định tại Nghị định số 148. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên – Môi trường có ý kiến xác định sự phù hợp của việc giao phần diện tích đất do Nhà nước quản lý trong ranh dự án cho nhà đầu tư.
Đối với dự án gặp khó khăn, vướng mắc về chưa có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thành phố, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng rà soát quy định của pháp luật có liên quan để có ý kiến xác định rõ về việc để dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án phải có trong danh mục dự án nhà ở ban hành kèm theo kế hoạch phát triển nhà ở thành phố hay chỉ cần đánh giá sự phù hợp của việc thực hiện dự án với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thành phố. Trong trường hợp dự án bắt buộc phải có trong danh mục dự án nhà ở ban hành kèm theo kế hoạch phát triển nhà ở thành phố, kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT để xem xét cập nhật các dự án theo định kỳ hằng quý.
Đối với các dự án này Sở KH-ĐT đề xuất chờ kết luận của các cơ quan chức năng đối với các dự án đang thanh – kiểm tra sau đó tiếp tục xem xét giải quyết; các dự án chưa hoàn thiện hồ sơ nhà đầu tư tiếp tục bổ sung hồ sơ theo quy định. Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM giao các sở ngành liên quan phối hợp giải quyết theo chức năng nhiệm vụ đối với từng dự án cụ thể.
Nhóm thứ 2 là nhóm dự án đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhóm này có 50 dự án, Sở KH-ĐT cũng chia ra từng nhóm vướng mắc cụ thể, trên cơ sở đó đã đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành giải quyết vướng mắc cho từng dự án theo thẩm quyền.
Cụ thể, đối với các dự án có nguồn gốc từ việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, dự án có giao phần diện tích đất do nhà nước quản lý nhưng nhà đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và/hoặc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các sở ngành tổng hợp có sở pháp lý báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ theo hướng xem xét cho dự án được tiếp tục thực hiện và giao cho UBND TP.HCM tổ chức xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để đề nghị nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) nhằm không làm thất thoát tài sản nhà nước.