Cảng Quốc tế Long An hợp long 7 cầu cảng, hoàn thiện toàn bộ vào tháng 6/2024
Ngày 24/6, Cảng Quốc tế Long An chính thức hợp long 7 cầu cảng và khai trương dịch vụ khai thác hàng container.
Ngày 24/6, Cảng Quốc tế Long An chính thức hợp long 7 cầu cảng với tổng chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670 m.
Nghi lê lễ hợp long cầu cảng tại Cảng Quốc tế Long An |
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Cảng Quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 10 cầu cảng, trong đó có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, 2.368 m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT. Trong giai đoạn này, cảng đầu tư 6 thiết bị cẩu STS, 18 cẩu RTG được sản xuất, lắp ráp tại Nhật Bản.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 500 triệu USD bào gồm khu cảng, công trình kho, bãi lên đến 1 triệu mét vuông.
Phát biểu tại lễ hợp long cầu cảng, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho biết, thời gian qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng đều qua các năm và mặt hàng khai thác thì ngày càng đa dạng và phong phú, mặc dù cảng vừa xây dựng vừa khai thác.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group phát biểu tại lễ hợp long |
Khi Cảng quốc tế Long An đi vào khai thác, doanh nghiệp không còn vận chuyển nhiều lượt để đến những cảng xa hơn, giảm đáng kể chi phí logistics, giảm ách tắc giao thông qua TP.HCM. Đặc biệt, khi dự án tàu bus container đi vào hoạt động sẽ là đòn bẩy thu hút doanh nghiệp về ĐBSCL đầu tư.
Ông Thắng cho biết, Cảng Quốc tế Long An sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để khánh thành toàn bộ vào tháng 6/2024 để chào mừng 55 năm thành lập thương hiệu Đồng Tâm.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Long An ông Nguyễn Minh Lâm cho biết, trong chiến lược phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh với khu vực lân cận, nhằm tối ưu chi phí logistics cho các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Long An nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung thì định hướng phát triển Cảng Quốc tế Long An trở thành cảng biển tổng hợp, đa dạng dịch vụ khai thác, là hoàn toàn phù hợp.
Các đại biểu cắt băng khai trương dịch vụ khai thác container tại Cảng Quốc tế Long An |
Sự ra đời của Cảng Quốc tế Long An đã góp phần giải quyết bài toán logistics và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.
Để hướng đến mục tiêu tối ưu chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa tỉnh Long An và khu vực, tỉnh Long An sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư nạo vét luồng sông Soài Rạp, đảm bảo độ sâu dưới 11,5 m, để tàu 70.000 DWT có thể ra vào thuận lợi. Điều này sẽ góp phần thu hút doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Cụm dự án Cảng Quốc tế Long An với quy hoạch 1.935 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Trong đó, khu công nghiệp 396 hecta; khu dịch vụ – công nghiệp 239 ha, khu đô thị 1.145 ha và đặc biệt nhất là cảng biển 147 ha.
Dự án là sự kết hợp hài hòa của một khu liên hợp dịch vụ cảng biển, cùng các công trình phụ trợ, các tiện ích không ngừng được đầu tư mở rộng, mang lại giá trị vượt trội cho toàn khu, góp phần hình thành quần thể thành phố cảng biển năng động, hiện đại trong tương lai.