Giá vàng thế giới duy trì vững trên ngưỡng 2.400 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/8) sau khi tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.
Hỗ trợ cho giá vàng trong phiên này là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng giảm trở lại, cùng niềm tin của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất với mức giảm lớn vào tháng 9.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại New York tăng 3,3 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng 0,14%, chốt ở mức 2.431,7 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 74 triệu đồng/lượng.
Tính cả tuần này, giá vàng giảm khoảng 0,5%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 7/6.
Phiên bán tháo vào hôm thứ Hai khiến giá vàng giảm tới 3%. Sau đó, áp lực giảm đối với giá kim loại quý này vơi dần khi thị trường chứng khoán hồi phục và nhà đầu tư tin tưởng Fed sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp diễn ra vào ngày 18/9. Ngày thứ Năm, giá vàng tăng gần 1,9%.
Quan trọng hơn, thị trường đang đặt cược tương đối cao vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 đang ở mức 49% và khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm đang ở mức 51%.
“Trong trung hạn, triển vọng tăng giá của vàng vẫn tích cực. Mỗi đợt giảm sẽ không kéo dài do các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn hỗ trợ”, nhà phân tích Zain Vawda của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.
Theo ông Vawda, báo cáo thất nghiệp lần đầu tốt hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Năm tuần này đã giúp giải tỏa mối lo kinh tế Mỹ suy thoái, đưa thị trường chứng khoán hồi phục mạnh và giá vàng cũng hồi theo. Ngoài ra, phát biểu của giới chức Fed trong tuần này cũng giúp củng cố khả năng lãi suất sắp giảm.
Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm dưới 3,7%, rồi lấy lại mốc 4% trong phiên ngày thứ Năm. Cuối phiên ngày thứ Sáu, lợi suất của kỳ hạn này dao động quanh ngưỡng 3,94%. Lợi suất giảm là một yếu tố có lợi cho giá vàng vì vàng là một tài sản không mang lãi suất.
Ngoài ra, giá vàng còn được hỗ trợ bởi sự xuống giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt giảm 0,1% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt ở 103,15 điểm. Cả tuần, chỉ số này giảm 0,05% – theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Do vàng được định giá bằng USD, nên đồng USD thường hỗ trợ giá vàng tăng.
Hôm thứ Năm, một số quan chức Fed nói họ đã lạc quan hơn rằng lạm phát đang giảm nhiệt đủ để có thể hạ lãi suất. Họ nói thêm rằng dữ liệu kinh tế mới là căn cứ để họ xác định thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất, chứ không phải là biến động thị trường chứng khoán.
Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7. Điểm dữ liệu này sẽ làm sắc nét hơn bức tranh lạm phát của Mỹ, từ đó giúp nhà đầu tư định hình chuẩn xác hơn đường đi chính sách của Fed.
“Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng – tài sản giúp đa dạng hóa danh mục để phòng ngừa biến động”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank viết trong một báo cáo. “Nếu Fed hạ lãi suất, có thể vào tháng 9, các nhà đầu tư nhạy cảm với lãi suất có thể quay trở lại mua vàng thông qua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF)”, ông Hansen nói.
Trong vòng 2 tuần trở lại đây, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã mua ròng gần 4 tấn vàng. Dữ liệu từ website của quỹ cho thấy khối lượng vàng mà quỹ đang nắm giữ là 846,9 tấn.