Quốc hội sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc xây dựng nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với nội dung chính quyền đô thị được tổ chức một cấp tại thành phố, còn quận, phường là cơ quan hành chính. Đối với thành phố Thuỷ Nguyên (trực thuộc thành phố Hải Phòng) sẽ có 2 cấp chính quyền là cấp chính quyền thành phố Thuỷ Nguyên và chính quyền ở các xã, riêng các phường cơ quan hành chính thuộc thành phố Thuỷ Nguyên.
BẤT HỢP LÝ MÔ HÌNH TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ KIỂU CŨ
Theo UBND TP. Hải Phòng, những năm qua, cơ cấu kinh tế của Hải Phòng đã dịch chuyển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá với tỷ trọng giá trị gia tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng từ 84,5% (năm 2005) lên 90,21% (năm 2021). Từ năm 2023, Hải Phòng đã được công nhận là đô thị loại 1 – trung tâm quốc gia. Đến năm 2030, quy mô dân số của Hải Phòng ước đạt từ 2,8 – 3 triệu người, tỷ lệ đô thị của Hải Phòng đạt khoảng 74- 76%.
Tuy nhiên, tổ chức chính quyền của thành phố Hải Phòng vẫn chủ yếu dựa vào Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Các cấp chính quyền của thành phố Hải Phòng vẫn tổ chức, hoạt động giống với chính quyền vùng nông thôn. Cơ cấu tổ chức, thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của các cấp chính quyền chưa thật sự phù hợp với đặc điểm, tính chất đô thị, quản lý nhà nước ở đô thị.
Tại Hải Phòng, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội như hệ thống giao thông công cộng, cấp nước, điện, cây xanh, các khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, bệnh viện, trường học cùng các tiện ích văn hoá, thể thao… được quy hoạch tạo thành mạng lưới, không phụ thuộc địa giới hành chính các quận. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ cũng không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính trong nội bộ quận, phường mà có sự đan xen, gắn kết trong phạm xuyên suốt địa bàn toàn đô thị.
Do đó, công tác quản lý nhà nước ở đô thị đỏi hỏi phải mang tính tập trung cao, đa dạng theo quy hoạch phát triển chung của toàn đô thị, không bị giới hạn bởi ranh giới, không gian của từng đơn vị hành chính nội bộ phường, quận.
Tuy nhiên, trên thực tế, tổ chức quản lý nhà nước tại Hải Phòng vẫn duy trì 3 cấp. Trong đó, HĐND cấp phường và cấp quận có thẩm quyền, trách nhiệm về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý, chỉnh trang đô thị. Nhưng các hoạt động này chủ yếu do HĐND cấp thành phố quyết định chứ không phải là hoạt động của chính quyền phường, quận.
Theo đánh giá của thành phố Hải Phòng, sự tồn tại HĐND ở nhiều cấp trong địa bàn đô thị đã làm cắt khúc, gián đoạn tính thống nhất xuyên xuyết của công tác quản lý quy hoạch không gian đô thị. Sự bất hợp lý về mô hình tổ chức chính quyền đô thị là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đối với các hoạt động kinh tế – xã hội, gây ra tình trạng trì trệ trong quản lý, điều hành của chính quyền thành phố.
Theo UBND TP. Hải Phòng, từ năm 2019, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 45 – NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng sẽ “thí điểm tổ chức chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính”.
Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn nhẹ, Hải Phòng đã nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền đổi mới mô hình tổ chức, phương thức quản lý của chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng phù hợp với đặc thù của thành phố cảng. Trong đó, đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm giải quyết tốt các yêu cầu cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
CẤP QUẬN, PHƯỜNG LÀ CƠ QUAN HÀNH CHÍNH
Cùng với xây dựng mô hình chính quyền đô thị, Hải Phòng cũng thực hiện sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau sắp xếp, thành phố Hải Phòng vẫn có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó khu vực đô thị có 8 quận và 1 thành phố (thành phố Thuỷ Nguyên), khu vực nông thôn có 6 huyện. Đồng thời, sau sắp xếp, Hải Phòng còn 167 đơn vị hành chính cấp xã gồm có 79 phường, 7 thị trấn và 81 xã.
Theo đề xuất từ UBND TP. Hải Phòng, chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng là chính quyền một cấp (cấp thành phố) sẽ có HĐND và UBND thành phố. Ở cấp quận là UBND các quận và cấp phường là UBND các phường là cơ quan hành chính. Do là cấp hành chính nên tại các quận, các phường không tổ chức HĐND.
Đối với thành phố Thuỷ Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng (Hải Phòng đề nghị thành lập cuối năm 2024) là đơn vị hành chính cấp huyện sẽ tổ chức chính quyền 2 cấp tại các xã và một cấp tại cấp phường. Theo đó, Thuỷ Nguyên sẽ thành lập HĐND và UBND thành phố Thuỷ Nguyên. Đối với 6 xã khu vực nông thôn sẽ thành lập cấp chính quyền địa phương bao gồm cả HĐND và UBND cấp xã. Tại 17 đơn vị hành chính phường sẽ chỉ thành lập UBND, không thành lập HĐND phường.
Đối với khu vực 6 huyện với 77 xã, 7 thị trấn là đơn vị hành chính khu vực nông thôn sẽ thành lập HĐND và UBND tại 2 cấp chính quyền huyện và chính quyền xã, thị trấn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo UBND TP. Hải Phòng, ưu điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị là bộ máy chính quyền khu vực quận, phường gọn nhẹ, hoạt động thông suốt, phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý đô thị. Nhân sự tại hai cơ quan hành chính UBND quận, UBND phường thực hiện theo chế độ bổ nhiệm sẽ thuận lợi hơn cho UBND cấp thành phố trong chỉ đạo, điều hành công việc hành chính trên địa bàn đô thị. Việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc thẩm quyền cấp thành phố đối với hai cấp hành chính quận, phường được đánh giá sẽ linh hoạt hơn trong công tác tổ chức cán bộ…
Tuy nhiên, do không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường nên HĐND TP. Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng, các cấp uỷ Đảng và những cơ quan liên quan cần phải thường xuyên theo dõi, giám sát đối với hoạt động của 2 cấp hành chính là UBND quận, UBND phường. Nếu không được giám sát thường xuyên sẽ không kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan hành chính tại 2 cấp này.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc không tổ chức HĐND quận, HĐND phường sẽ tạo ra cơ chế chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND cấp dưới, đây là cơ chế đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới trong hệ thống chính quyền địa phương. Việc bổ nhiệm cũng tạo thuận lợi cho cấp trên lựa chọn, điều động, luân chuyển và đề cao trách nhiệm của cán bộ được bổ nhiệm. UBND các quận, các phường sẽ được tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương.
Trước đó, giai đoạn 2009 – 2016, Hải Phòng là 1 trong 10 tỉnh, thành phố được Trung ương cho thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Việc thí điểm này đã giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm hội họp, giảm biên chế. Với mô hình không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì sau khi có nghị quyết của cấp uỷ cùng cấp, UBND triển khai ngay không phải chờ thông qua HĐND.