Một trong những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 hiện đã được chuyển lên Tòa án Tối cao. Đó là câu hỏi về việc liệu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có bị đưa ra xét xử trước khi cử tri Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024 hay không.
Trong bước đi mới nhất của cuộc cạnh tranh “mèo vờn chuột” ngày càng leo thang giữa ông Trump và các công tố viên, Công tố viên đặc biệt Jack Smith ngày 13/12 đã nộp đơn kêu gọi Tòa án Tối cao can thiệp trước, nhanh chóng xem xét lại tuyên bố về quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến các cáo buộc ông âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 thông qua vụ bạo loạn ngày 6/1/2021.
Ông Smith cho rằng, nếu không có hành động ngay lập tức, tranh chấp có thể kéo dài sang nhiệm kỳ tiếp theo của Tòa án Tối cao và vẫn chưa được giải quyết trước cuộc bầu cử 2024.
Bộ Tư pháp Mỹ từ lâu đã có chính sách nội bộ là không truy tố một Tổng thống đương nhiệm. Yêu cầu của công tố viên Smith là lần đầu tiên Tòa án tối cao được yêu cầu ra phán quyết về việc liệu các cựu Tổng thống có được quyền miễn trừ này hay không?
Yêu cầu của Công tố viên đặc biệt Smith liên quan đến vụ án đầu tiên chống ông Trump, dự kiến xét xử vào năm 2024, với một bản cáo trạng gồm bốn tội danh liên quan đến hành vi của ông trước vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ.
Vào cuối ngày 13/12, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố đã đồng ý xúc tiến việc xem xét yêu cầu của ông Smith. Toà yêu cầu các luật sư của ông Trump phải trả lời trước ngày 20/12.
Nhưng điều chưa được nêu trong hồ sơ của công tố viên Smith là: Ông Trump đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bầu cử năm 2024 và nếu có một vụ kiện nào đó có khả năng làm hỏng chiến dịch tranh cử của ông thì đó chính là vụ kiện liên quan đến cuộc bạo loạn Điện Capitol.
Ba cuộc chiến pháp lý khác nhằm vào ông Trump bao gồm một vụ kiện cấp bang ít nghiêm trọng hơn, hoặc nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử tháng 11/2024.
Trong khi đó, vụ kiện liên quan đến cuộc bạo loạn 6/1/2021 dự kiến sẽ diễn ra sớm trong lịch bầu cử – vào ngày 4/3/2024, tức là trước khi đảng Cộng hòa hoàn tất việc đề cử ứng cử viên của họ và trước cuộc tổng tuyển cử.
Ông Trump tuyên bố rằng ông được hưởng quyền miễn truy tố đối với các sự kiện xảy ra khi ông còn là tổng thống. Nhưng một tòa án hình sự đã từng ra phán quyết rằng không phải như vậy: “Việc phục vụ 4 năm của ông Trump với tư cách là Tổng tư lệnh đã không ban cho ông ấy quyền thiêng liêng của các vị vua là trốn tránh… trách nhiệm hình sự”, Thẩm phán Tanya Chutkan của Tòa án quận D.C. ra phán quyết hôm 1/12.
Sau đó vào tuần trước, các luật sư của ông Trump đưa ra thông báo rằng ông sẽ kháng cáo. Họ cũng lập luận rằng điều này sẽ tự động đình chỉ quy trình đối với vụ án dự kiến được đưa ra xét xử vào ngày 4/3: “Việc tạm dừng tất cả các thủ tục tố tụng tiếp theo là bắt buộc và tự động”, hồ sơ ngày 7/12 của nhóm luật sư của ông Trump cho biết.
Trong bối cảnh đó, lúc này công tố viên Smith đã phải cố gắng tăng tốc quá trình – bỏ qua Tòa phúc thẩm và đi thẳng lên Tòa án tối cao Mỹ. Hồ sơ được ông nộp lên Toà hôm 13/12 cho biết: “Điều quan trọng nhất đối với công chúng” là vấn đề phải được giải quyết “nhanh chóng nhất có thể” để có được một phiên tòa công bằng và nhanh chóng.
Từ nhiều tháng trước, các chuyên gia pháp lý đã dự đoán rằng vụ việc này sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao, và dự đoán đó hiện đang trở thành hiện thực.
Gần đây hơn, hai nhà phân tích pháp lý đã dự đoán trong một bài đăng đồng tác giả ngày 4/12 rằng trận chiến lớn nhất trong vụ án này sẽ liên quan đến tốc độ của quá trình kháng cáo.
Họ nói rằng nhìn bề ngoài thì mọi việc có vẻ tồi tệ đối với ông Trump. Trong một bài đăng trên blog Lawfare, các nhà phân tích Quinta Jurecic và Benjamin Wittes không chỉ chỉ ra phán quyết của Thẩm phán Chutkan mà còn xác định một phán quyết liên quan trong một vụ án dân sự, trong đó Tòa phúc thẩm Mỹ đứng về phía chống lại ông Trump. Tòa phúc thẩm đã bác bỏ tuyên bố mở rộng của ông Trump về quyền miễn trừ truy tố của tổng thống, kết luận rằng quyền miễn trừ này không bao gồm các hoạt động liên quan đến bầu cử.
Phán quyết này được nhất trí đưa ra bởi ba thẩm phán do ba tổng thống khác nhau bổ nhiệm, trong đó có một thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm.
Các nhà phân tích pháp lý cho biết Tòa án Tối cao Mỹ có xu hướng tôn trọng các quyết định nhất trí như vậy của tòa phúc thẩm ở D.C. Họ viết: “Triển vọng vốn đã ảm đạm về việc ông Trump trốn tránh một phiên tòa liên bang vào đầu năm mới trở nên ảm đạm hơn một chút”.
Quay trở lại với lý do những phiên toà nhằm vào ông Trump đang gây chú ý trên khắp thế giới: Khả năng chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Trump đang công bố những con số khảo sát tốt hơn bất kỳ thời điểm nào trong sự nghiệp của mình: ông dẫn đầu trong phần lớn các cuộc thăm dò tổng tuyển cử trước Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, bao gồm những khoảng cách lớn trong các cuộc thăm dò gần đây ở các bang dao động.
Bất chấp các rắc rối pháp lý, ông Trump vẫn được tự do tranh cử tổng thống. Trên thực tế, Hiến pháp Mỹ thậm chí còn cho phép một người nào đó tranh cử tổng thống từ phòng giam sau khi bị cáo buộc tội. Cựu Tổng thống Trump cũng đã nói rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ có quyền tự ân xá và hủy bỏ mọi cuộc điều tra.
Tuy nhiên, một phán quyết có tội lại có thể thiết lập lại phép toán bầu cử.
Nhiều cuộc khảo sát trong nhiều tháng qua cho thấy một lượng lớn cử tri sẽ phản đối Trump nếu ông bị kết án hoặc bị tống vào tù trước ngày bầu cử.
Hiện tại, Tòa án Tối cao Mỹ đang được yêu cầu đảm bảo xét xử kịp thời vụ án này.