Tiki hụt hơi, CEO Trần Ngọc Thái Sơn từ chức?
Hành trình dẫn dắt gã khổng lồ thương mại điện tử Tiki của ông Trần Ngọc Thái Sơn đã đến hồi kết?
Mới đây, tờ DealStreetAsia đưa tin ông Trần Ngọc Thái Sơn (43 tuổi), nhà sáng lập kiêm CEO Tiki, đã nộp đơn từ chức lên HĐTV sau 23 năm dẫn dắt.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn
|
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tiki dường như không còn được nhắc đến như một ông lớn thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam. Họ đang dần tụt lại phía sau so với Lazada, Shopee, trong khi ngôi sao mới nổi Tiktok đang tăng trưởng như vũ bão với nhiều chương trình hấp dẫn.
Theo thông tin thay đổi doanh nghiệp mới nhất tính đến 16/05, Công ty TNHH Tiki, đơn vị vận hành trang thương mại điện tử Tiki, có vốn điều lệ hơn 5,916 tỷ đồng và đều do nước ngoài sở hữu. Đồng thời, ông Sơn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, cũng như người được ủy quyền toàn bộ phần vốn điều lệ của Công ty TNHH Tiki.
Nguồn: Cổng TTĐKDN
|
* TikTok Shop, đối thủ đáng gờm của Shopee và Lazada ở Đông Nam Á
Theo thống kê của nền tảng số liệu thị trường Metric, trong quý 1/2023, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop là 39 ngàn tỷ đồng. Tổng số shop bán có phát sinh đơn hàng là 413 ngàn, 390 triệu sản phẩm giao hàng thành công, tăng trưởng doanh thu 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các sàn thương mại điện tử hiện nay, Shopee có thị phần doanh thu lớn nhất với 63%. TikTok Shop ra đời sau nhưng nhanh chóng cán mốc doanh số 6,000 tỷ đồng, trở thành sàn có doanh thu cao thứ 3 sau Shopee (doanh thu 24.7 ngàn tỷ đồng) và Lazada (7.5 ngàn tỷ đồng). Trong khi đó, Tiki và Sendo có doanh thu khá khiêm tốn lần lượt là 846.5 tỷ và 55 tỷ đồng.
Trong mắt của những người dùng mạng xã hội, Tiki cũng có vẻ lép vế hơn so với Shopee và Lazada, trong khi Tiktok Shop (vừa ra đời cách đây hơn 1 năm) đang bám đuổi sít sao.
Theo thống kê từ Reputa, Shopee đang đứng đầu trong top 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất trên mạng xã hội, kế đó là Lazada. Tiki xếp vị trí số 3, còn Tiktok Shop xếp thứ 4.
Tình cảnh ảm đạm của một doanh nghiệp từng được kỳ vọng là kỳ lân của Việt Nam
Lấy cảm hứng từ Jeff Bezos của Amazon, doanh nhân Trần Ngọc Thái Sơn đã thành lập Tiki vào năm 2010 như một nền tảng bán sách trực tuyến. Tiki là từ viết tắt của “tìm kiếm và tiết kiệm”, với mục tiêu phản ánh tầm nhìn mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn và có giá phải chăng hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Ở giai đoạn hoàng kim, Tiki từng được xem là một ứng dụng thương mại hàng đầu tại Việt Nam và được kỳ vọng trở thành “kỳ lân” của Việt Nam. Nhưng tình thế đã thay đổi khi những ông lớn khác bắt đầu bước vào thị trường như Lazada (với sự hậu thuẫn của Alibaba), Shopee (có tập đoàn Sea) và Tiktok Shop (với sự chống lưng của gã khổng lồ ByteDance).
Về tình hình tài chính, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, Tiki ghi nhận doanh thu giảm 7%, trong khi tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ. Kết quả là ông lớn thương mại điện tử này ghi nhận lỗ hoạt động 93 triệu USD, lỗ nặng hơn so với năm tài chính trước đó.
Với mảng dịch vụ, logistics đang là phân khúc lớn nhất và tăng trưởng 7% so với cùng kỳ. Điều này không có gì bất ngờ vì Tiki đã cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh từ lúc đầu, cũng giống như Amazon. Tiki đang quyết liệt đầu tư vào cơ sở logistics của mình.
Trong khi đó, hoa hồng từ sàn thương mại điện tử giảm 37% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý rằng phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong mảng dịch vụ là Tiki Ads với mức tăng 131% so với năm tài chính 2021. Tuy nhiên, phân khúc này chỉ mới chiếm 2% tổng doanh thu của Tiki.
Hiện vẫn chưa có thông tin tài chính của Tiki trong năm 2023. Nhưng nhìn về phía đối thủ, ông chủ Shopee, Sea Group đã báo lãi trong 2 quý gần nhất.
Thiên Vân