Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo dự thảo nghị định, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Còn đối với chủ doanh nghiệp sẽ từ 100 triệu đồng trở lên.
Doanh nghiệp cho rằng đối với doanh nghiệp thì mức 100 triệu đồng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cũng phù hợp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức này tạo áp lực để doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế, đồng thời không quá thấp để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
“Mức 100 triệu cũng không phải là số tiền quá lớn nhưng cũng đủ để làm tính răn đe cho tất cả các doanh nghiệp tuân thủ và có sự kỷ luật trong nghĩa vụ nộp thuế của mình”, chị Trương Thị Mỹ Ngọc – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Stronglife chia sẻ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn các hình thức thông báo nợ thuế đến người dân, doanh nghiệp cần linh hoạt, đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn.
“Theo tôi được biết hình thức gửi qua email có những lúc chúng tôi cũng không check hoặc vì lý do gì đó nhờ người khác check nên có thể bị trôi, có thể chuyển đổi qua zalo chẳng hạn”, anh Lê Pháp Anh – Giám đốc Công ty Truyền thông MOF cho hay.
Một số ý kiến thì cho rằng mức 10 triệu với hộ kinh doanh là hơi thấp, có thể nâng thêm, và cần phân loại hướng vào những người nộp thuế cố tình chây ì, trốn tránh nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV nêu quan điểm: “Những ngành nghề, lĩnh vực đặc thù của nó, chẳng hạn tiền chưa về đôi khi người ta cũng bị quá hạn 100 triệu, 50 triệu… trong vài ngày hay một vài tuần. Trong 120 ngày đó thì cũng phải có những động thái nhắc nhở ít nhất khoảng 3 lần. Nếu như vượt 3 lần, lúc đấy chúng ta có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt”.
“Chúng ta nên bám vào một tiêu chuẩn nào đó, chẳng hạn liên quan về thuế thu nhập cá nhân hay liên quan đến việc lương tối thiểu. Đấy là những mốc mà chúng ta có thể bám vào nếu nợ một khoản tiền thuế thì sau này khi có điều chỉnh về thuế thu nhập cá nhân hay điều chỉnh về tiền lương tối thiểu hoặc theo vùng, thì lúc đó nó sẽ trở thành cơ sở tự động chuyển sang để cơ quan thuế áp dụng trong những trường hợp đang bị nợ thuế”, ông Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh chia sẻ.
Số liệu từ tổng cục thuế cho thấy từ đầu năm nay đến nay đã thu hồi được 2.000 tỷ đồng tiền nợ thuế từ việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tự giác đi nộp khoản thuế nợ từ nhiều năm trước để được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Vì vậy, đây là biện pháp cần thiết để thu hồi nợ đọng. Người nộp thuế có thể tra cứu nghĩa vụ nộp thuế của mình qua ứng dụng Etax Mobile, để cập nhật kịp thời đẩy đủ các thông báo, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!